Nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ muốn gia tăng đầu tư ở Việt Nam

22-07-2023 08:16|Anh Minh

Việt Nam hiện là một nhân tố chủ chốt trên “sân khấu” kinh tế toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều công ty lớn nhất của Hoa Kỳ có sự hiện diện đáng kể và ngày càng tăng tại Việt Nam, coi đây là điểm nút trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ muốn gia tăng đầu tư ở Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen đánh giá: Việt Nam hiện là một nhân tố chủ chốt trong "sân khấu" kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh: VGP/HT

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen về khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế tại cuộc trao đổi với các doanh nghiệp (DN) và báo chí do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN tổ chức ngày 21/7 tại Hà Nội.

Nhân tố quan trọng trên trong kinh tế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen đánh giá: Việt Nam hiện là một nhân tố chủ chốt trong "sân khấu" kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Trong chuyến đi này, tôi đã tận mắt chứng kiến sự năng động và nghị lực đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các bạn. Sức mạnh không thể phủ nhận này sẽ giúp các bạn đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045", bà Janet L. Yellen nói.

Theo bà Janet L. Yellen, nhiều công ty lớn nhất của Hoa Kỳ như Apple và Google có sự hiện diện đáng kể và ngày càng tăng tại Việt Nam. Trong hai thập kỷ qua, thương mại giữa hai nước tăng trưởng gần 25% một năm. Đó là một tỷ lệ đáng ghi nhận, không chỉ nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Hoa Kỳ tăng vọt mà ngày nay, Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam gần gấp 20 lần so với năm 2002 và không có dấu hiệu nào cho thấy đà này đang chậm lại.

"Thương mại hàng hóa của chúng tôi đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Tôi tin rằng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ này có thể thực hiện được vì nó được thành lập dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, nó bắt nguồn từ công việc của chúng ta nhằm giải quyết những di sản của chiến tranh và được củng cố bởi mối liên kết chặt chẽ và ngày càng tăng của chúng ta", bà Janet L. Yellen nói.

Tái cơ cấu chuỗi cung ứng, phục hồi thương mại

Về thương mại, Hoa Kỳ đang theo đuổi một phương pháp gọi là "friendshoring" – nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy. Mục tiêu là giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước những cú sốc về nguồn cung trong quá trình sản xuất hàng hóa quan trọng, đặc biệt là do sự tập trung quá mức, rủi ro địa chính trị...

Để làm như vậy, Hoa Kỳ đang đầu tư trong nước để xây dựng dự phòng trong chuỗi cung ứng của mình. Một phân tích của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho thấy hoạt động xây dựng cơ sở sản xuất thực tế ở trong nước đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2021, nhưng không có nghĩa chỉ xây dựng mọi thứ ở Hoa Kỳ.

"Chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi kinh tế dài hạn đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng. Điều này có nghĩa là làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế của chúng ta với nhiều quốc gia mà chúng ta có thể tin cậy – trong đó có Việt Nam", Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nói.

Người đứng đầu ngành tài chính Hoa Kỳ khẳng định: Ưu tiên hàng đầu là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Hoa Kỳ. 

Một nghiên cứu ước tính rằng sự thiếu hụt chip trong thời kỳ đại dịch có thể góp phần gây thất thoát doanh thu trên toàn thế giới hơn 500 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2022. 

Hoa Kỳ đang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện để đa dạng hóa và củng cố hệ sinh thái bán dẫn. Khi hoạt động di chuyển từ các phần tập trung hoặc rủi ro của chuỗi cung ứng toàn cầu, nó sẽ đặt nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới vào một vị trí an toàn hơn. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

"Các khoản đầu tư đang gia tăng ở đây, ví dụ như Công ty Amkor – một công ty có trụ sở tại Arizona sẽ sớm khai trương hoàn toàn một nhà máy lớn hiện đại để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn ở Bắc Ninh, nơi cách đây Hà Nội chưa đầy một giờ lái xe. Còn ở phía nam, tỉnh Đồng Nai, có một công ty Hoa Kỳ khác là Onsemi, sản xuất chip được sử dụng trong ô tô cách nửa vòng trái đất. Tại Khu công nghệ cao TPHCM là cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel trên thế giới. Nhiều công ty đầu tư vào Việt Nam cũng đang xây dựng năng lực và việc làm của họ tại Hoa Kỳ.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tích cực hợp tác để củng cố chuỗi cung ứng bền vững với các quốc gia khác... Đặc biệt, Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thể hiện qua quan hệ đối tác với Việt Nam.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi đã đưa ra các sáng kiến mới để đầu tư vào sự phát triển của các quốc gia đối tác. Điều này bao gồm việc tham gia vào cam kết của G7 nhằm huy động 600 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong vài năm tới thông qua Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu", bà Janet L. Yellen cho hay.

Về khả năng ứng phó, chống biến đổi khí hậu, ", bà Janet L. Yellen khẳng định Hoa Kỳ cam kết giúp đỡ các quốc gia khác xây dựng khả năng phục hồi. Hoa Kỳ tự hào hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Hoa Kỳ tự hào tiếp tục hỗ trợ và hợp tác để xây dựng sự thịnh vượng kinh tế cùng có lợi cho các bên đối tác. Khả năng phục hồi kinh tế phải là một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế của chúng ta", Bộ trưởng Janet L. Yellen nói. "Tôi mong được làm việc với tất cả các bạn để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế của chúng ta".

Nhu cầu từ thị trường Mỹ hồi phục, xuất khẩu 1 nhóm hàng có thể giúp Việt Nam thu về hơn 17 tỷ USD năm 2024

Từ 1/1/2025, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 50% với 2 mặt hàng của Trung Quốc

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nhieu-cong-ty-lon-cua-hoa-ky-muon-gia-tang-dau-tu-o-viet-nam-102230721182925706.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ muốn gia tăng đầu tư ở Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH