Gần đây, nhiều địa phương đã có những động thái dừng cấp phép mới dự án ven biển, thu hồi các dự án hết thời hạn thuê đất, các dự án treo để giành lại bãi biển cho cộng đồng.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh không cấp phép mới các công trình, dự án ven biển. Cùng với đó, các sở phải rà soát công trình ven biển, thậm chí đề xuất thu hồi các dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng không hoặc chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng tăng thanh tra hoạt động xây dựng đối với các dự án, công trình ven biển, để kịp thời xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, không phép.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, từ tháng 6/2011 đến nay, tỉnh đã chấp thuận 77 dự án đầu tư (vốn tư nhân) có diện tích ven biển, gồm 56 dự án du lịch, 2 khu dân cư và 19 dự án thủy sản. Trong đó, 56 dự án du lịch có quy mô hơn 1.039 ha, phần diện tích giáp biển chiếm 59% với 618 ha. Ở nhóm này, 25 dự án đã hoạt động, 8 dự án đang xây dựng và 23 dự án chưa triển khai.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trương di dời công trình lớn nhất phía đông đường ven biển Trần Phú, Nha Trang với diện tích 26.000 m2 bít toàn bộ chiều dài khoảng 400 m của bờ biển. Tỉnh Bình Định cũng có chủ trương di dời 3 khách sạn “chắn biển” ở bãi biển phía đông đường An Dương Vương (thành phố Quy Nhơn) để lấy đất ven biển xây dựng công viên ven biển, phục vụ cộng đồng.
Các chuyên gia cho rằng, một thời gian dài nước ta phát triển đô thị ven biển gần như tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch có tầm nhìn xa. Vì lẽ đó, những năm gần đây, khi trình độ dân trí cũng như tầm nhìn của những lãnh đạo địa phương và các cơ quan ban, ngành được nâng lên, vấn đề trả lại không gian biển cho cộng đồng được chú ý và nỗ lực thực hiện.
Ở nhiều nước phát triển, Chính phủ có quy định rất khắt khe về xây dựng các công trình ven biển. Theo đó, Chính phủ các nước Úc, Canada, Hàn Quốc… không cho phép xây dựng nhà hàng, khách sạn, resort ven biển; nếu muốn làm, phải lùi vào sâu trong đất liền. Nó vừa thể hiện tầm nhìn quy hoạch không gian công cộng của đô thị biển, vừa tránh được những hiểm họa do thiên tai đem lại.
Tại Việt Nam, vấn đề quy hoạch lại bãi biển và trả lại không gian sinh hoạt biển cho cộng đồng, còn là tầm nhìn an toàn, bảo vệ cuộc sống bền vững cho các đô thị biển.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trả lại không gian biển cho người dân là việc làm cần thiết. Nhưng quản lý và khai thác hiệu quả bờ biển phục vụ phát triển kinh tế một cách bền vững cũng là trách nhiệm nặng nề của chính quyền các địa phương ven biển. Theo đó, các địa phương khi quy hoạch, lập dự án cần tiến hành công khai, minh bạch để mọi người dân có quyền tiếp cận thông tin, đóng góp ý kiến, tạo sự đồng thuận.
GS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TN-MT), cho rằng việc duy trì dải đất sát biển là không gian công cộng không chỉ giúp đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, mà còn là để khai thác hiệu quả hơn các bãi cát ven biển, tài nguyên du lịch biển.
"Thực tế cho thấy tại các khu du lịch biển hiện nay của nước ta như Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né… vào mùa hè hầu như tất cả các bãi biển đều rất đông người, thậm chí tiệm cận tới trạng thái quá tải, nhưng ngược lại, tại bãi tắm của các resort sát biển, khách tắm biển chủ yếu là khách trong các resort. Do vậy, đảm bảo những bãi tắm ven biển là không gian dùng chung không những tạo cơ hội cho người dân mà còn giúp nhiều khách du lịch sử dụng bãi biển và du lịch biển phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế của địa phương và cả nước”, PGS-TS Vũ Thanh Ca bày tỏ.