Giữa bối cảnh Nga bị áp đặt các lệnh trừng phạt từ phương Tây, việc vận chuyển hàng hóa đến nước này bị gián đoạn, buộc nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải tạm ngừng đơn hàng qua đây.
Đầu năm 2022, Việt Nam có 5 doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Nga. Tháng 1 vừa qua, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 2,18 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2021.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra quyết định tạm ngưng ký các đơn hàng đến Nga dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác và không muốn bị gián đoạn.
Việc tạm ngừng hàng đi Nga được cho là chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên nước này khiến đồng rúp mất giá, nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng; tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt, một số nhà nhập khẩu có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không dễ dàng.
Mặt khác, một số mặt hàng (như cá tra) có giá nguyên liệu tăng mạnh do khan hiếm, không thể đáp ứng được nhu cầu.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam buộc phải quyết định tạm ngừng ký kết hay giao hàng là do các hãng tàu biển đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga. Các lô hàng có thể bị giữ lại tại cảng Rotterdam (Hà Lan) trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok.
Trước đó, những ngày đầu tháng 3 một số hãng tàu lớn đã thông báo tạm ngừng dịch vụ vận chuyển đến và đi từ các cảng ở Nga, do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây dành cho nước này. Trong đó, hãng tàu Maersk đã quyết định tạm dừng các tuyến vận chuyển container đường biển, đường hàng không và đường sắt liên lục địa đến và đi từ Nga.
Theo thông báo được hãng tàu Maersk đưa ra, việc đặt chỗ mới trên các tuyến đường biển, hàng không và đường sắt đến và đi từ Nga sẽ bị tạm hoãn, ngoại trừ hàng thực phẩm, vật tư y tế hay hàng nhân đạo. Thông báo có hiệu lực từ 1/3 và áp dụng cho tất cả các cảng cửa ngõ của Nga.
Việc tạm hoãn vận chuyển được Maersk đưa ra là nhằm tôi giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng và không làm tăng thêm tình trạng tắc nghẽn toàn cầu tại các cảng và kho bãi.
Ngoài ra, hãng tàu lớn nhất thế giới MSC hay hãng tàu của Pháp CMA CGM và ONE cũng có động thái tương tự.