Dòng tiền cá nhân trong nước giao dịch thận trọng trở lại trong tuần 12 - 15/4/2022. Đồng pha, tổ chức nội vẫn duy trì đà bán ròng trong khi khối ngoại có tuần mua ròng tích cực trở lại.
Kết tuần giao dịch, VN-Index giảm 23,44 điểm (-1,58%) xuống 1.458,56 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 35,4% so với tuần trước đó với 83.503 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 36,3% xuống 2.538 triệu cổ phiếu.
HNX-Index giảm 15,31 điểm (-3,54%) xuống 416,71 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 41% so với tuần trước đó với 9.173 tỷ đồng, tổng khối lượng giao dịch đạt 314 triệu cổ phiếu.
Về diễn biến dòng tiền, tỷ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm hóa chất, bán lẻ, ngân hàng, trong khi giảm vào nhóm bất động sản, chứng khoán, hàng & dịch vụ công nghiệp.
Xét theo vốn hóa, dòng tiền tiếp tục tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 và giảm ở nhóm vốn hóa và nhỏ. Đây cũng là xu hướng kéo dài trong 3 tuần gần nhất.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch thận trọng trở lại trong tuần qua. Đồng pha, tổ chức trong nước vẫn duy trì đà bán ròng trong khi khối ngoại có tuần mua ròng tích cực trở lại.
Nhà đầu tư cá nhân giao dịch thận trọng trở lại khi ghi nhận bán ròng 852 tỷ đồng ở sàn HOSE ở tuần 12 - 15/4/2022. Cổ phiếu NVL bị dòng vốn này bán ròng mạnh nhất với 423 tỷ đồng; các mã MWG, VIC và GEX đều bị bán ròng trên 200 tỷ đồng.
Ngược lại, cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã HPG với giá trị 324 tỷ đồng; DIG và VPB đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 280 tỷ đồng và 188 tỷ đồng.
Đồng pha, tổ chức trong nước duy trì trạng thái bán ròng với giá trị 260 tỷ đồng - giảm 65% so với tuần trước.
Tổ chức trong nước bán ròng rất mạnh mã MWG với 1.146 tỷ đồng (1.299 tỷ đồng được thực hiện thông qua thỏa thuận); DIG và VPB bị bán ròng lần lượt 298 tỷ đồng và 186 tỷ đồng.
Trong khi đó, NVL được các tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 247 tỷ đồng; VHM và HPG được mua ròng lần lượt 150 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng trở lại 1.111 tỷ đồng, tuy nhiên, dòng vốn này bán ròng 543 tỷ đồng nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh.
MWG được khối ngoại sàn HOSE mua ròng đột biến 1.500 tỷ đồng chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận với 1.654 tỷ đồng. NVL và GEX đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 176 tỷ đồng và 172 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, HPG đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn này với 464 tỷ đồng. VHM và VND bị bán ròng lần lượt 190 tỷ đồng và 133 tỷ đồng.
Về diễn biến giá cổ phiếu, trong tuần, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng là gánh nặng lớn nhất đối với thị trường, với VCB (-3,4%), BID (-6,2%), CTG (-3,3%), TCB (-6,7%), MBB (-5,4%), SHB (-2,7%), STB (-2,9%), HDB (-6,9%), EIB (-5,13%), MSB (-4,5%), trong khi ACB, VPB, OCB, LPB may mắn chỉ giảm nhẹ và SSB tăng được 0,5%.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng giảm tương đối mạnh với SSI (-7%), HCM (-11,6%), VCI (-10,7%), VND (-4%), SHS (-3,4%), FTS (-5,5%), CTS (-4,8%), VIX (-7,8%), APG (-6,3%), BSI (-6%), VDS (-5,2%), AGR (-9,1%), TVB (-10,4%),...
Nhóm dầu khí cũng lùi bước với PLX (-2,7%), BSR (-2,3%), PVD (-2,7%), PVS (-8,1%), PVB (-1,4%),...
Nhóm dịch vụ tiêu dùng có tuần hồi phục mạnh sau khi tuần trước giảm khá sâu với các mã ngành bán lẻ đầu ngành như MWG (+6,8%), FRT (+11,4%), DGW (+5,7%), PNJ (+2,3%),...