NHNN sẽ được trao thẩm quyền trong việc quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0%, không tài sản bảo đảm?
Chính sách này góp phần rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD.
Sáng 24/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, một nội dung đáng chú ý là đề xuất trao thêm thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc quyết định cho vay đặc biệt.
Theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn cản trở TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành NHNN nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt.
Điều này cũng giúp tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ và giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó góp phần rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD.
![]() |
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày tại phiên họp. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội |
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, đa số ý kiến tán thành chủ trương phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn một số nội dung như cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42. Trong đó về cơ sở chính trị, cơ quan này đề nghị báo cáo và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền do việc xử lý tài sản đảm bảo liên quan trực tiếp đến quyền tài sản của công dân.
Các chính sách đề xuất cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện đối với các bên có liên quan; bổ sung kinh nghiệm quốc tế về quy định pháp luật trong xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để tham khảo, đề xuất giải pháp phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam.
![]() |
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội |
Đóng góp ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần xem xét, rà soát kỹ lưỡng các quy định về phân cấp, phân quyền, đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện. Quốc hội quyết nghị rõ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nếu ủy quyền cho Thống đốc NHNN thì quy trình giải quyết có thể được đẩy nhanh hơn, khắc phục tình trạng chậm trễ do thủ tục hành chính hiện nay.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần xem xét thấu đáo các phương án cơ cấu lại hệ thống tín dụng để đảm bảo tuân thủ các quy định về thẩm quyền, quyền tài sản, quyền công dân và các cơ sở chính trị. Với các vấn đề quan trọng, Chính phủ cần báo cáo và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
>> Trước sức ép thuế quan, Thủ tướng yêu cầu NHNN và Bộ Tài chính hành động khẩn
Thủ tướng lên tiếng về bất cập trong quản lý kinh doanh vàng, đề nghị Bộ Công an vào cuộc
Trước sức ép thuế quan, Thủ tướng yêu cầu NHNN và Bộ Tài chính hành động khẩn