Xã hội

Những chàng trai phục dựng gần 8.000 di ảnh, đưa liệt sĩ ‘đoàn tụ’ cùng gia đình

Thái Hà 27/07/2025 07:00

“Thứ chúng tôi trao đi không đơn thuần là một bức ảnh phục dựng mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, gợi nhớ về một thời oai hùng của cha ông ta đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc", đại diện nhóm Skyline chia sẻ.

cover-web.jpg

“Xin gửi về quá khứ sự tri ân đặc biệt, cận kề tới ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, chúng con như được sống trong lòng biết ơn vô hạn. Những chiến sĩ đã ngã xuống - họ không sợ cái chết, họ chỉ sợ chúng ta - thế hệ hôm nay quên đi lý do vì sao mà họ chết. Những cái chết đã hóa thành bất tử cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Và như một lời tri ân, chúng con vẫn luôn nhắc nhở nhau rằng, mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong nhóm Skyline sẽ là cầu nối, là sứ giả truyền lửa cho thế hệ trẻ và thế hệ mai sau rằng: Hòa bình, độc lập như ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có được. Bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta đều có thể góp sức nhỏ bé của mình vào trong việc tri ân lịch sử, biết ơn quá khứ”.

Trong những ngày tháng Bảy thiêng liêng, lời chia sẻ đầy xúc động của anh Phùng Quang Trung, Trưởng nhóm Skyline như một nén tâm nhang thành kính gửi đến những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

z6634896958530-b656c1141ddf5d69fd9198a9c0cb3008-2606-1246(1).jpg
Anh Phùng Quang Trung, Trưởng nhóm Skyline
tit-1-web(1).png
img-1-mobi(1).png
Một số hoạt động gần đây của Skyline

Skyline là một nhóm bạn trẻ đến từ nhiều nơi và cùng có chung niềm đam mê với lịch sử, muốn giữ gìn những ký ức linh thiêng qua bức ảnh cũ. Hiện nhóm có 15 thành viên. Hơn 4 năm qua, nhóm đã phục hồi, làm sắc nét, phủ màu và cải thiện chất lượng của nhiều tấm ảnh chân dung anh hùng liệt sĩ đã nhuốm màu thời gian, trao đến tay thân nhân liệt sĩ.

Những thành viên trong nhóm Skyline bao gồm nhiều nghề khác nhau như shipper, sinh viên, nhân viên công ty vận tải... Nhận thấy phục dựng ảnh là việc ý nghĩa, anh Trung và một số anh em đã quyết định dồn tâm huyết cho công việc phục dựng ảnh.

Anh Nguyễn Đức Hưng, một thành viên của Skyline bộc bạch: “Ban đầu, tôi làm công việc làm ảnh bình thường. Một lần, tôi tình cờ phục dựng di ảnh cho một liệt sĩ gần nhà, trao lại cho gia đình.

Bức ảnh đó còn rất nhiều vụng về nhưng khi nhận bức ảnh, gia đình liệt sĩ vẫn không thể nén được xúc động. Nhìn thấy những giọt nước mắt của người thân liệt sĩ, tôi thấy vô cùng xúc động và nghĩ bản thân cần làm một điều gì đó”.

Mỗi bức ảnh liệt sĩ khi được trao tận tay người thân đều là thành quả của quá trình phục dựng công phu, được nhóm Skyline chăm chút kỹ lưỡng đến từng đường nét, gam màu. Ngày càng có nhiều gia đình tìm đến nhóm, gửi gắm mong muốn khôi phục hình ảnh những người thân đã khuất.

quote-1-mobi(1).png

"Tôi và các thành viên trong nhóm đều thấy may mắn khi vừa được làm công việc yêu thích, vừa mang lại giá trị cho cộng đồng. Ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ đây là một công việc có ích, nhưng sau này, khi được nhiều người thân của các liệt sĩ tìm đến nhờ phục dựng ảnh, chúng tôi ý thức được rằng đây là trách nhiệm.

Thứ chúng tôi trao đi không đơn thuần là một bức ảnh phục dựng mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, gợi nhớ về một thời oai hùng của cha ông ta đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc", anh Hưng chia sẻ.

Quá trình phục dựng ảnh đòi hỏi kỹ thuật cao, bởi phần lớn di ảnh của các liệt sĩ là ảnh đen trắng, đã phai mờ theo thời gian, thậm chí bị rách nát, mất gần như toàn bộ chân dung.

Trung bình, mỗi bức ảnh mất từ 2-3 giờ để hoàn thiện. Với những bức ảnh bị hư hỏng nặng, thời gian có thể kéo dài đến cả vài ngày, vài tuần.

Hy hữu hơn, trường hợp không còn bất kỳ di ảnh nào, nhóm sẽ chủ động liên hệ gia đình liệt sĩ, lắng nghe mô tả và phác họa từ khuôn mặt người thân. Từng chi tiết nhỏ đều được thực hiện một cách cẩn trọng, tỉ mỉ và luôn có sự góp ý, điều chỉnh từ phía gia đình.

quote-2-web(1).png

“Làm công việc này, chúng tôi gặp không ít khó khăn, thậm chí là chỉ trích. Có người đang kiếm sống từ việc phục dựng ảnh nên không hài lòng khi chúng tôi làm miễn phí, họ cho rằng chúng tôi lấy mất ‘chén cơm’ của họ.

Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ đến một điều: Làm sao để người thân các liệt sĩ, sau bao năm mong mỏi, có thể một lần nữa nhìn thấy khuôn mặt người thân yêu của mình. Vì với nhiều gia đình, những tấm ảnh ấy có thể là ký ức duy nhất còn lại về người liệt sĩ đã ngã xuống”, anh Nguyễn Đức Hưng nghẹn ngào nói.

Các “Mẹ” không thể chờ lâu hơn nữa!

tit-2-web(1).png

Thời gian làm ảnh của các thành viên chủ yếu vào ban đêm, vì vậy có những dịp cao điểm như 27/7 này, nhóm phải làm xuyên đêm.
"Chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa, cả nhóm phải tranh thủ từng phút để kịp sửa ảnh cho các mẹ", trưởng nhóm Phùng Quang Trung cho hay. "Mẹ" mà anh nhắc đến là các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Anh Trung nhớ lại một lần mang ảnh đến trao tận tay mẹ liệt sĩ. Cả nhóm đã chuẩn bị chu đáo: đặt yến sào, thuốc bổ làm quà biếu mẹ, ngoài bức ảnh người con đã hy sinh được phục dựng. Thế nhưng... họ đã không còn kịp gặp mẹ lần cuối.

Những món quà ấy chỉ có thể đặt bên bàn thờ, bên cạnh di ảnh con trai mà mẹ đã chờ đợi suốt đời. Đôi mắt mẹ trong tấm ảnh như vẫn dõi theo trong khói hương lặng lẽ, đau đáu một nỗi mong chờ chưa bao giờ nguôi. Và trong khoảnh khắc ấy, anh Trung bật khóc như vừa mất đi một người thân ruột thịt của chính mình.

quote-3-web(1).png

Gần 8.000 bức ảnh là hàng nghìn câu chuyện, là những thước phim ký ức thấm đẫm sự hy sinh thầm lặng của những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những bức ảnh ấy không chỉ giúp những người mẹ tìm lại hình bóng con năm nào, mà còn đưa những người con tóc bạc phai lần đầu được nhìn thấy khuôn mặt người cha chưa từng gặp.

“Bố ơi, con nhìn thấy bố rồi…”, là tiếng gọi nghẹn ngào bật ra từ con trai của liệt sĩ Dương Đình Khuyến (tỉnh Bắc Ninh) khi ông lần đầu tiên được cầm trên tay bức di ảnh của người cha đã hy sinh.

516384988_9680643338702000_7007125865782434483_n.jpg
Lần đầu con trai liệt sĩ Dương Đình Khuyến nhìn thấy mặt cha

Anh hùng liệt sĩ Dương Đình Khuyến đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, mà không kịp để lại cho hậu thế bất kỳ bức ảnh nào. Suốt bao năm, gia đình liệt sĩ chờ đợi mỏi mòn với một khát vọng giản dị: có một tấm ảnh để thờ, để gọi tên, để được cảm nhận rằng cha mình từng hiện diện nơi cõi đời này.

Nhưng chiến tranh đã mang đi tất cả, chỉ để lại những ký ức mơ hồ, cùng vài lời kể chắp vá từ người thân. Nhờ nhóm Skyline, sau hơn một tháng miệt mài từ những nét phác mờ ảo, từ lời mô tả ít ỏi của gia đình, anh Phùng Quang Trung và các thành viên đã chắp nhặt từng chi tiết, cẩn trọng phục dựng từng ánh mắt, từng đường nét, từng vệt thời gian.

Đúng vào dịp 27/7, tròn 100 năm ngày sinh của liệt sĩ, người cha như trở về trong một định mệnh đầy cảm xúc. Người con trai hơn 70 tuổi òa khóc như một đứa trẻ lần đầu được nhìn thấy bố.

Hôm ấy, cả đại gia đình liệt sĩ cùng tề tựu. Ai nấy mắt đỏ hoe. “Giống lắm, đúng là anh tôi rồi!”, em trai liệt sĩ nghẹn lời khi nhìn thấy bức ảnh.

tit3-web(1).png
img-2-mobi(1).png

Sứ mệnh mà các thành viên nhóm Skyline tự đặt ra cho mình là “kể lại những câu chuyện ấy bằng video, bằng công nghệ”. Họ vẫn ngày đêm miệt mài phục dựng, lặng lẽ như những người kể chuyện không tên. “Làm nhiều nhất có thể, làm cho đến khi không còn ai cần đến nữa”, đó là hứa lặng thầm họ truyền cho nhau.

Dịp 27/7 năm nay, nhóm Skyline dự kiến trao hơn 300 bức ảnh tại 5 tỉnh thành là Quảng Trị, Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng và Phú Thọ. Với họ, đây không đơn thuần là một hành trình tri ân – mà còn là cách để tiếp tục kể những câu chuyện chưa trọn vẹn của những con người đã nằm lại vì nền hòa bình hôm nay, bằng ký ức, bằng hình ảnh và bằng cả trái tim của thế hệ trẻ.

quote-4-web.png

Song song với công việc phục dựng, nhóm cũng đang âm thầm chuẩn bị cho hành trình kế cận. Các thành viên trẻ đam mê công việc ý nghĩa này được bồi dưỡng qua các buổi gặp gỡ, tập huấn trực tuyến, hướng dẫn kỹ năng phục dựng ảnh… Nhờ đó, ngọn lửa tri ân được Skyline thắp lên đã lan tỏa khắp nơi, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trên khắp cả nước.

“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn biết bao việc cần làm. Có những điều tưởng chừng đã thuộc về quá khứ, lại chính là nơi người trẻ hôm nay có thể góp sức để lan tỏa giá trị của hòa bình và tiếp nối những hy sinh mà cha ông ta đã cống hiến vì một Việt Nam độc lập, thống nhất.

Tôi cùng các thành viên trong nhóm luôn thấy may mắn khi được làm việc có ích. Và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để phục dựng thêm nhiều bức ảnh nữa, làm thêm nhiều phần việc ý nghĩa hơn nữa”, đại diện nhóm bày tỏ.

box-web(1).png

>> An táng hài cốt vị Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ trực tiếp bắn rơi 3 máy bay địch, từng vinh dự được gặp mặt Bác Hồ

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nhung-chang-trai-phuc-dung-gan-8000-di-anh-dua-liet-si-doan-tu-cung-gia-dinh-147662.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Những chàng trai phục dựng gần 8.000 di ảnh, đưa liệt sĩ ‘đoàn tụ’ cùng gia đình
    POWERED BY ONECMS & INTECH