Xã hội

‘Nghĩa trang liệt sĩ’ không có mộ phần đặc biệt nhất Việt Nam, nằm cạnh dòng sông được ví như ‘cối xay thịt’ một thời

Minh Phát 26/07/2025 22:36

Đây là một Di tích Quốc gia đặc biệt, gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt vào mùa hè năm 1972 trong kháng chiến chống Mỹ.

Di tích Thành cổ Quảng Trị tọa lạc giữa trung tâm thị xã Quảng Trị (cũ), chỉ cách quốc lộ 1A gần 1km về phía Đông Bắc và cách TP. Huế hơn 60 kilomet theo hướng Bắc. Nơi đây nằm kề bên dòng sông Thạch Hãn – dòng sông từng được ví như chiếc “cối xay thịt” trong trận chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm giữa lòng vùng đất lửa Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị là một công trình kiến trúc quân sự đặc sắc, được khởi công xây dựng vào năm 1809 dưới triều vua Gia Long và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Với tổng chu vi khoảng 2.160 mét, thành được bao bọc bởi hệ thống hào nước kiên cố, mỗi góc thành được bố trí một pháo đài nhô ra nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, tạo nên một thế trận vững chắc mang đậm dấu ấn của nghệ thuật quân sự cổ đại.

 ‘Nghĩa trang liệt sĩ’ không có mộ phần đặc biệt nhất Việt Nam, nằm cạnh dòng sông được ví như ‘cối xay thịt’ một thời - ảnh 1Toàn cảnh Thành cổ Quảng Trị khi nhìn từ trên cao

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành chứng nhân của những thời khắc bi tráng, đặc biệt là cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt mùa hè năm 1972. Nơi đây được ví như một nghĩa trang liệt sĩ không tên – nơi quy tụ linh hồn của biết bao chiến sĩ đã hiến dâng tuổi trẻ, máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị là nhắc đến mùa hè đỏ lửa 1972, cũng là một trong những dấu mốc hào hùng thể hiện khát vọng thống nhất đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong suốt 81 ngày đêm, nơi đây hứng chịu lượng bom đạn khổng lồ với hơn 328.000 tấn được Mỹ và quân đội Sài Gòn ném xuống, tương đương sức hủy diệt của 7 quả bom nguyên tử từng gieo rắc kinh hoàng tại Nhật Bản vào năm 1945. Riêng trong ngày 25/7/1972, số lượng pháo dội xuống Thành cổ vượt quá 5.000 quả.

Để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng, biết bao chiến sĩ đã ngã xuống, tuổi thanh xuân và những ước mơ dở dang vĩnh viễn gửi lại mảnh đất Quảng Trị. Chính vì vậy, Thành cổ được xem như một “nghĩa trang liệt sĩ” đặc biệt không có mộ phần.

 ‘Nghĩa trang liệt sĩ’ không có mộ phần đặc biệt nhất Việt Nam, nằm cạnh dòng sông được ví như ‘cối xay thịt’ một thời - ảnh 2Mỗi tấc đất quanh Thành cổ đều lưu giữ những ký ức hùng tráng 1 thời của cả dân tộc Việt Nam

Báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình, mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có một Đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một Đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót".

Sức tàn phá khủng khiếp từ bom đạn đã gần như san phẳng toàn bộ công trình bên trong, chỉ còn lại những bức tường thành đổ nát mang đầy dấu tích chiến tranh. Những vết đạn loang lổ trên từng viên gạch như những lời kể không lời về quá khứ bi thương.

 ‘Nghĩa trang liệt sĩ’ không có mộ phần đặc biệt nhất Việt Nam, nằm cạnh dòng sông được ví như ‘cối xay thịt’ một thời - ảnh 3
Vào ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị chính thức được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, ghi nhận vai trò to lớn của nơi đây gắn liền với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm khốc liệt

Nửa thế kỷ đã qua, bản anh hùng ca 81 ngày đêm oanh liệt giờ chỉ còn trong hồi ức, khi dấu tích vật chất ngày một ít đi và các nhân chứng lịch sử lần lượt rời xa dương thế. Tuy nhiên, mảnh đất ấy, con người năm ấy vẫn sống mãi trong lòng dân tộc như một biểu tượng chói sáng của tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Vào ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị chính thức được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, ghi nhận vai trò to lớn của nơi đây gắn liền với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm khốc liệt. Chiến trường năm xưa giờ đã hồi sinh trong sắc xanh cây lá, nơi từng là vùng đất chết nay đã trở thành miền ký ức hòa bình.

 ‘Nghĩa trang liệt sĩ’ không có mộ phần đặc biệt nhất Việt Nam, nằm cạnh dòng sông được ví như ‘cối xay thịt’ một thời - ảnh 4
Nơi được coi làm nấm mồ chung của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì nền độc lập dân tộc

Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, Thành cổ Quảng Trị nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, bên trong khuôn viên Thành cổ ngày nay còn có nhiều công trình tri ân được xây dựng để phục vụ nhu cầu viếng thăm, tưởng niệm của đông đảo người dân trong và ngoài nước mỗi năm.

Thành cổ Quảng Trị ngày nay là nơi khắc sâu những chiến tích bất tử của quân và dân Quảng Trị nói riêng, của cả dân tộc nói chung. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 ‘Nghĩa trang liệt sĩ’ không có mộ phần đặc biệt nhất Việt Nam, nằm cạnh dòng sông được ví như ‘cối xay thịt’ một thời - ảnh 5Nơi đây trở thành điểm đến để lớp lớp các thế hệ sau tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các anh hùng dân tộc

Mảnh đất Quảng Trị hôm nay đã đi qua đau thương, “rũ bùn” đứng dậy, mang trong mình sức sống mới, viết nên câu chuyện cổ tích có thật về “đất thép nở hoa”. Từ nơi từng bị cày nát bởi bom đạn, giờ đây bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng khởi sắc, thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025 vừa qua, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình chính thức hợp nhất thành tỉnh Quảng Trị mới càng tạo đà cho sự phát triển, hứa hẹn về một hành trình bứt phá đầy mạnh mẽ trong tương lai gần.

>> Vùng đất duy nhất miền Trung Việt Nam có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, hơn 18.000 người hy sinh trong chiến tranh giữ nước

Việt Nam chính thức có thêm một Di tích quốc gia đặc biệt

Việt Nam chính thức lập quy hoạch tu bổ, bảo tồn một di tích quốc gia đặc biệt

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nghia-trang-liet-si-khong-co-mo-phan-dac-biet-nhat-viet-nam-nam-canh-dong-song-duoc-vi-nhu-coi-xay-thit-mot-thoi-147599.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Nghĩa trang liệt sĩ’ không có mộ phần đặc biệt nhất Việt Nam, nằm cạnh dòng sông được ví như ‘cối xay thịt’ một thời
    POWERED BY ONECMS & INTECH