Ngôi làng duy nhất ở Việt Nam không có liệt sĩ dù hàng trăm người ra trận, từng là nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày nay, mỗi tán cây, mỗi nếp nhà, mỗi lối mòn nơi Tân Trào đều gợi nhắc về một thời kỳ hào hùng của dân tộc ta.
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng những ký ức về một thời mưa bom bão đạn vẫn còn in sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt. Đó là những năm tháng mà hàng vạn con người dầm mưa, dãi nắng, chiến đấu kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc.
Giữa năm tháng ấy, có những vùng đất tuy nhỏ bé về mặt địa lý nhưng lại mang trong mình ý nghĩa lịch sử lớn lao, trở thành biểu tượng của tinh thần cách mạng bất diệt, của lòng yêu nước và ý chí không khuất phục.
Một trong những vùng đất thiêng liêng đó chính là Tân Trào – nơi được mệnh danh là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam. Chính tại mảnh đất này đã sản sinh ra biết bao chiến sĩ kiên trung, những con người đã góp phần làm nên bản hùng ca lịch sử của dân tộc.

Ngôi làng được mệnh danh là "Thủ đô cách mạng"
Với vị trí chiến lược, điều kiện địa hình thuận lợi, làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương cũ (nay là xã Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang), được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng lựa chọn làm căn cứ địa, là đầu não của Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Vào tháng 5/1945, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Cao Bằng chuyển về Tuyên Quang để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Người đã chọn xã Tân Trào làm nơi dừng chân, xây dựng khu căn cứ quan trọng nhất của cách mạng. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã triệu tập và tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra các quyết sách chiến lược dẫn tới thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước vào tháng 8/1945.

Với truyền thống yêu nước, người người, nhà nhà ở Tân Trào không tiếc thân mình, tham gia kháng chiến. Trong suốt 4 cuộc kháng chiến vệ quốc, lớp lớp con em của làng đã lên đường. Điều đáng kinh ngạc là mặc cho mưa bom bão đạn, không một ai trong số họ hy sinh ngoài chiến trường.
Theo Báo Lao động Thủ đô, trong 104 thanh niên Tân Lập tham gia chiến đấu, chỉ có hai người bị thương và hai người mắc bệnh nặng – một con số hiếm có, khiến Tân Lập được biết đến là “ngôi làng không có liệt sĩ”, một điều tưởng như không thể giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào – Vùng đất thiêng của cách mạng Việt Nam
Sau khi chiến tranh lùi xa, những dấu tích lịch sử không chỉ là ký ức mà đã trở thành nơi thể hiện tinh thần dân tộc, hun đúc lòng yêu nước cho các thế hệ. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, thuộc tỉnh Tuyên Quang, chính là một trong những “địa chỉ đỏ” tiêu biểu – nơi lưu giữ những mốc son chói lọi trong hành trình giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Khu di tích trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc huyện Sơn Dương và Yên Sơn cũ. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng nơi đây là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định vị thế đặc biệt quan trọng của Tân Trào trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trong số hàng chục di tích, nổi bật nhất phải kể đến Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, Cụm di tích Nà Nưa, cây đa Tân Trào và đặc biệt là lán Nà Nưa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc trong thời gian từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945.
Lán Nà Nưa là một căn nhà sàn mộc mạc được dựng trên sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy Hồng – cách làng Tân Lập chừng 500m, theo tiêu chí của Bác, gần nguồn nước, gần dân, xa đường lớn, dễ tiến, dễ lui. Lán được dựng bằng tre nứa, lá gồi, có hai gian nhỏ vừa là nơi làm việc, tiếp khách, vừa là nơi nghỉ ngơi của Bác Hồ.
Chính tại căn lán đơn sơ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng, đặt nền móng cho cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945. Ngày 4/6/1945, tại đây, Người đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu – một cuộc họp lịch sử nhằm củng cố lực lượng, thành lập khu giải phóng và thống nhất các tổ chức vũ trang thành Quân Giải phóng, sẵn sàng cho cao trào đấu tranh giành chính quyền trên toàn quốc.

Ngày nay, mỗi tán cây, mỗi nếp nhà, mỗi lối mòn nơi Tân Trào đều gợi nhắc về một thời kỳ hào hùng.
Hàng năm, khu di tích Tân Trào đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Theo thống kê của UBND huyện Sơn Dương cũ, số du khách đến Khu di tích Tân Trào năm 2024 ước đạt 950.000 lượt, trong đó có 800 lượt khách quốc tế.
Thông tin từ báo Nhân dân cho biết, trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón lượng khách du lịch tăng đột biến so với mọi năm, với khoảng 44.000 lượt khách.
* Tổng hợp