Những chiếc máy in giá rẻ như cho Lexmark và bước chạm công nghệ cao của Digiworld
Digiworld (mã chứng khoán: DGW) và ông lớn nổi danh nước ngoài Lexmark vừa tổ chức lễ ký kết hợp tác mới. Sự kiện này là một bước tiến dài của Digiworld bởi lẽ, công ty dường như đang chuyển mình, chạm đến lĩnh vực công nghệ cao.
Sự hợp tác với Lexmark không phải là điều mới lạ. Ông lớn ngành in ấn nổi danh nước Mỹ đã chọn hợp tác với Digiworld từ 20 năm trước. Từ năm 2003, Digiworld (DGW) đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho Lexmark tại Việt Nam.
Ở lần hợp tác “bình cũ, rượu mới” này, mục tiêu của hai bên không chỉ dừng lại ở các giải pháp in ấn về hình ảnh mà còn là công nghệ đám mây phục vụ và thúc đẩy sự phát triển số hóa cho các doanh nghiệp Việt.
Những gì mà hai bên sẽ mang đến cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là hàng hóa, những chiếc máy in đơn thuần như 20 năm qua mà là những thứ ở nấc cao hơn trên chuỗi giá trị hàng công nghệ như công nghệ đám mây, Internet vạn vật…
Có lẽ, sẽ rất nhiều người tranh cãi. Liệu có quá hay không khi dùng từ công ty công nghệ cho Digiworld khi công ty không nghiên cứu, phát triển ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ mà chỉ đơn thuần phân phối?
Tuy nhiên, một sự thật đang bày ra trước mắt: Digiworld và các công ty công nghệ khác tại Việt Nam đang cùng đến một đích giống nhau đó là đưa sản phẩm công nghệ tới tay khách hàng. Dù Digiworld khác các doanh nghiệp được “định danh” là công ty công nghệ ở chỗ công ty không nghiên cứu, phát triển để tạo ra sản phẩm nhưng Digiworld có sản phẩm để bán, có năng lực để bán.
Để 1 sản phẩm có thể chinh phục được người dùng, trở thành thương hiệu được yêu thích và ngày càng phát triển, việc tìm hiểu thị trường và nắm bắt insight khách hàng là rất quan trọng. Không chỉ dừng lại ở phân phối, gần 30 năm qua Digiworld đã cung cấp các giải pháp phát triển thị trường cho hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới thâm nhập thành công vào thị trường Việt Nam. Digiworld chính là nhịp cầu nối vững chắc kết nối các nhà sản xuất với người tiêu dùng, kiến tạo thị trường từ những viên gạch đầu tiên.
Công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đang mở ra 1 “mỏ vàng” rất lớn. Theo IDC, chi phí chuyển đổi số trên toàn cầu đạt xấp xỉ 2.000 tỷ USD trong năm 2022, trong đó chi phí cho phần cứng và dịch vụ chiếm quá nửa. Tại Việt Nam, đề án “Chuyển đổi số quốc gia” mở ra cơ hội mới cho mảng thiết bị văn phòng bao gồm các sản phẩm liên quan đến internet vạn vật - IoT, giải pháp mạng, phần mềm, điện toán đám mây…
Vì sao Lexmark tiếp tục lựa chọn Digiworld làm cầu nối để khai thác “mỏ vàng” này mà không phải là ai khác?
Để trả lời câu hỏi này, hãy ngược dòng thời gian về những năm 2000, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo. Những người sống ở thời đại đó đến giờ vẫn nhớ, hiếm hoi lắm trên đường phố mới có chiếc ô tô, hiếm hoi lắm mới có văn phòng tòa nhà chọc trời, hiếm hoi lắm các trường học mới có máy tính mang hệ điều hành Window98. Thường thì, người dân khi cần photo, in ấn sẽ ra hiệu photocopy, hiếm ai sắm cho mình chiếc máy in ở nhà. Rất nhiều doanh nghiệp cũng không có máy in hoặc chỉ sắm rất ít.
Lexmark đến thị trường Việt Nam vào thời điểm như thế. Bài toán nào cũng khó! Khó từ việc người tiêu dùng đang quá nghèo, khó đến việc thay đổi nhận thức về giá trị một chiếc máy in cho học tập, công việc...của người dân.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Digiworld đã đi một bước tiến táo bạo bằng việc tổ chức một chương trình có một không hai cho Lexmark: Bán máy in giá 1 USD.
Tại ComputerWorld Expo 2005 diễn ra ở Trung tâm Hội chợ triển lãm TP.HCM tháng 7 năm đó, Digiworld tung ra chương trình ưu đãi giảm giá máy in, bán 300 máy in phun Z515 với giá chỉ 1 USD/cái!
Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Gian hàng của Lexmark chật kín khách tham quan hiếu kì với chiếc máy in giá 1 USD. Có hàng nghìn người hỏi mua. Chưa nói đến thời giá lúc đó 1 USD là bao nhiêu nhưng số 1 là con số gây ấn tượng rất mạnh với người tiêu dùng. Lùi một bước là thành miễn phí.
“Rẻ”.
“Rất rẻ”.
“Hóa ra có thể sở hữu một chiếc máy in đầy tiện dụng với giá rẻ đến thế!”
Đó là phản ứng của người tiêu dùng đối với máy in của Lexmark. Từ cảm giác thèm thuồng nhưng có chút thiếu tự tin khi đứng trước những cửa hàng bán đồ công nghệ sang chảnh, người tiêu dùng đã mạnh bạo tìm hiểu về những chiếc máy in công nghệ cao, đầy tiện dụng ở mức giá mà mức thu nhập của họ có thể kham được.
Tại thời điểm không ai biết Lexmark là gì, bán gì, ra sao; không ai thực sự hiểu vai trò một chiếc máy in đối với cuộc sống ... thì thông điệp “Máy in 1 USD” đã xóa nhòa nỗi sợ phi lý của người tiêu dùng về việc sử dụng một thành quả công nghệ tiên tiến để gia tăng năng suất lao động.
Rào cản suy nghĩ "hàng công nghệ cao chắc là đắt đỏ, chắc mình không với tới" được loại bỏ dễ dàng. Con đường của Lexmark tiến vào thị trường Việt Nam dễ hơn từ thời điểm đó!
Không chỉ chương trình “Máy in 1 USD”, Digiworld từng đánh bay nỗi lo của người tiêu dùng Việt bằng một chương trình không tưởng khác: 1 đổi 1. Với thông điệp “Thách thức thời gian”, Lexmark thu đổi hoàn toàn miễn phí tất cả các dòng máy in Lexmark đã sử dụng trên 7 năm hiện vẫn còn hoạt động để lấy máy in laser E120n hoàn toàn mới, không mất thêm bất cứ chi phí nào. Hãng cũng nhận đổi máy in, fax, photo cũ, hư hỏng của các đối thủ như HP, Canon, Brother.., sang máy Lexmark mới với giá ưu đãi, giúp khách tiết kiệm lên tới 100 USD.
Nghệ thuật bán hàng dám một đổi một (trade-in marketing) là một chiến lược tiếp thị phổ biến trong thế giới kinh doanh ở các nước phát triển. Nhưng ở Việt Nam, thời điểm Digiworld dám “chơi lớn” thu cũ đổi mới hoàn toàn miễn phí, nghệ thuật này vẫn rất xa lạ.
Chiêu thức marketing đặc biệt này tạo ra lợi ích cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Người tiêu dùng có cơ hội nâng cấp, cập nhật sản phẩm của mình, trong khi doanh nghiệp duy trì hoặc gia tăng doanh số bán hàng và giữ chân khách hàng trung thành trong hệ sinh thái của mình.
Bằng 1 đổi 1, thậm chí đổi hàng cũ của thương hiệu khác lấy hàng mới của thương hiệu mình, Digiworld đã tạo ra một cơ hội cho Lexmark “lấy lòng” khách hàng của đối thủ và trải nghiệm sản phẩm của mình.
Với các chiến dịch marketing vô cùng sắc sảo, mang lại tốc độ tăng trưởng tốt cho Lexmark, Digiworld được tập đoàn Mỹ trao tặng hàng loạt giải thưởng marketing như “Marketing Excellence”, “Most innovative marketing program - Chương trình marketing đột phá nhất”... và trở thành đối tác quan trọng của hãng.
Thực tế, marketing chỉ là một trong số 5 mảnh ghép của công thức MES mà công ty đang ứng dụng để giúp các thương hiệu ngoại như Lexmark phát triển thị trường tại Việt Nam. Mô hình MES (Market Expansion Service) của Digiworld bao trọn 5 khâu dịch vụ mà công ty đang cung ứng.
Đầu tiên là nghiên cứu, phân tích thị trường từ đó xây nên giải pháp bán hàng, phân phối hiệu quả tùy thuộc vào từng nhãn hàng. Digiworld cũng cung ứng luôn việc hoàn thiện các thủ tục, tuân thủ quy chế để thương hiệu ngoại có thể tiếp cận thị trường Việt Nam hoàn toàn thượng tôn pháp luật.
Thứ hai là lên kế hoạch xây dựng chiến lược thương hiệu, chiến lược tiếp thị - bán hàng và chiến lược thâm nhập thị trường toàn diện đi kèm thực thi.
Thứ 3 là Logistics. Digiworld không cung cấp dịch vụ logistics đơn thuần mà cung cấp dịch vụ tối ưu. Công ty đưa ra giải pháp Logistics với hệ thống quản trị hàng tồn kho kiểm kê theo thời gian thực từ đó cảnh báo khu vực cần bổ sung hàng hóa, cảnh báo tồn kho quá tải...từ đó tối ưu hóa kế hoạch giao hàng.
Thứ 4 là dịch vụ phân phối. Ở khâu này, Digiworld cung ứng rất nhiều dịch vụ khác nhau từ việc tiếp nhận đơn hàng và xử lý đến thực hiện đơn hàng, giao hàng, quản lý hàng trả lại...Đặc biệt, điểm khác biệt độc đáo nhất và cũng là điểm đưa thương hiệu Digiworld vượt tầm một công ty phân phối thông thường đó là: Digiworld cung ứng cả dịch vụ vận hành cửa hàng cho các thương hiệu.
Và cuối cùng là hậu mãi. Digiworld xây dựng tổng đài tư vấn, trung tâm hỗ trợ, trung tâm giải đáp thắc mắc, điểm báo cáo hành vi tiêu dùng và cả dịch vụ bảo hành cho sản phẩm.
Sau gần 3 thập kỷ, Digiworld dần lớn mạnh và liên tiếp trở thành nhà phân phối chính thức của hơn 30 ông lớn công nghệ như Dell, HP, Asus, Toshiba, Apple, Huawei… và đã mở rộng sang các ngành hàng tiêu dùng nhanh, chăm sóc sức khỏe hay thiết bị điện gia dụng.
Khách hàng của Digiworld không chỉ dừng lại ở các công ty công nghệ mà mở rộng ra rất nhiều ngành hàng khác. Mới gần đây, Digiworld chốt được deal với 2 ông lớn trong ngành hàng thiết bị điện gia dụng Whirlpool và ngành bia ABinBev để rồi từ đó, thay đổi hoàn toàn Digiworld.
Từ một công ty phân phối hàng công nghệ, Digiworld cùng công thức MES đã nâng tầm mình tiến lên năng lực “có thể bán mọi thứ, từ cây kim cuộn chỉ đến tàu thủy, xe hơi”. Tới đây, sau cái bắt tay chặt hơn với Lexmark, Digiworld thậm chí còn phân phối được các giải pháp công nghệ mà chỉ những công ty am hiểu sâu lĩnh vực này mới có thể chen chân!
MES cũng là bí kíp để Digiworld từ một công ty tư nhân nhỏ bé chuyển dịch lên doanh nghiệp vốn hóa nghìn tỷ và là một trong số hiếm hoi doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đạt doanh thu xấp xỉ 1 tỷ USD trong năm 2022. 9 tháng đầu năm 2023, với sự đóng góp ngày càng nhiều của các mảng kinh doanh mới như Thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng, ngành hàng tiêu dùng, Digiworld vẫn đạt gần 14.000 tỷ đồng doanh thu trong bối cảnh ngành phân phối công nghệ giảm tốc.
Sức mạnh của MES tới đây càng được củng cố với dự án chuyển đổi số tổng thể quản trị mà Digiworld vừa khởi động tháng 7 vừa qua. Dự kiến từ ngày 1/1/2024, hệ thống SAP S/4HANA cùng với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS sẽ được áp dụng.
Hệ thống SAP S/4HANA thế hệ mới và quản trị hiện đại sẽ đáp ứng quy mô, ngành hàng phân phối của Digiworld từ đó mở rộng, tăng trưởng, kết nối tổng thể chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến các kênh phân phối, người tiêu dùng một cách nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả và an toàn nhất.