Doanh nghiệp

Nhìn cơ cấu doanh thu, bật mí bí quyết tạo đà tăng trưởng của Digiworld khi ICT bão hoà

Minh Anh 02/08/2023 10:24

Trong bối cảnh thị trường ICT bão hòa, Digiworld đã sử dụng mô hình tăng trưởng độc đáo của mình để vượt giông bão đưa doanh thu công ty chạm tỷ USD.

Thị trường ICT hết ngọt?

Mới đây, Digiworld (DGW) cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 4.596 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ, song hồi phục 16% so với quý liền trước.

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng điện thoại chiếm tỷ trọng 48% với 2.190 tỷ đồng; mảng laptop và máy tính đạt 1.342 tỷ đồng (29%); thiết bị văn phòng 728 tỷ (16%). So với quý 1/2023 tất cả các mảng chủ lực của DGW đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu đặt cạnh quý 2/2022, có thể thấy, mảng điện thoại và thiết bị văn phòng vẫn còn dư chấn ảnh hưởng từ lạm phát, đồng thời là sự cạnh tranh trên thị trường smartphone.

Nhìn cơ cấu doanh thu, bật mí bí quyết tăng trưởng của Digiworld khi ICT bão hoà

Tình trạng cầu giảm tại kênh điện thoại di động và thiết bị văn phòng bao trùm toàn bộ ngành bán lẻ thời gian qua khi nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, tăng trưởng ngành bán lẻ điện thoại, điện máy trong nước vốn đã ngày càng chậm lại trong quý gần đây trước rủi ro bão hòa ngành, gây ra thách thức lớn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của các ông lớn bán lẻ.

Điểm sáng là máy tính và laptop - lĩnh vực khởi nguồn của DGW tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số bất chấp nhu cầu tiêu dùng không quá khả quan trong thời gian qua. Chủ tịch HĐQT Digiworld cũng đưa ra góc nhìn tích cực đối với mảng này trong thời gian tới. Cụ thể, theo ông Đoàn Hồng Việt, hiện tình hình tồn kho đã hạ và chuẩn bị đến thời điểm ra iphone mới, từ đó tăng cầu, hàng không đủ dùng thì sẽ không còn hiện tượng phá giá. Tất nhiên năm 2023 vẫn sẽ chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu về mặt hàng điện tử so sánh với cùng kỳ, song là bước đệm tiêu dùng cho thời gian tới. Những mặt hàng đã chịu sự sụt giảm hai con số sẽ có mức tăng trưởng tốt ở năm 2024-2025.

Ông Việt tự tin nửa cuối năm 2024 sẽ là giai đoạn bùng nổ của mặt hàng ICT do sự cộng hưởng của chu kỳ đổi mới sản phẩm cùng với đó nền kinh tế và thu nhập người tiêu dùng sẽ tốt hơn rất nhiều. Thị trường smartphone, laptop từng nở rộ vào 2021 và sau 3 năm đương nhiên người tiêu dùng sẽ có nhu cầu nâng cấp sản phẩm. Vì vậy, Chủ tịch Digiworld kỳ vọng so với nền thấp 2023 thì sự tăng trưởng sẽ cao.

Mô hình tăng trưởng độc đáo vượt bão ngành của Digiworld

Mảng điện thoại vẫn luôn đem lại doanh thu lớn nhất cho Digiworld và các doanh nghiệp bán, song hiện tượng bão hoà rình rập cùng với nhu cùng tiêu dùng sản phẩm ICT mang tính chu kỳ khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nhóm này có thể giảm sút.

Lường trước được xu thế này, Digiworld đã chọn cho mình kinh doanh phát triển độc đáo từ những ngày đầu tiên. Nhờ chiến lược mở rộng độ phủ từ sớm, Digiworld - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành bán lẻ đã vượt giông bão đưa doanh thu chạm tỷ USD.

Điều này thể hiện rõ trên những con số kinh doanh quý 2/2023, khi mảng điện tử suy giảm, lại có các lĩnh vực khác bù đắp. Cụ thể, thiết bị gia dụng ghi nhận doanh thu tăng vọt 54% đạt 166 tỷ đồng nhờ việc thêm các nhãn hàng mới và các nhãn hàng hiện có được biết đến và tin dùng.

Song, nổi bật nhất là sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành hàng tiêu dùng (83%) với doanh thu 170 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc Digiworld gia nhập ngành hàng đồ uống và bắt tay với hai ông lớn là AB-InBev và Lotte Chilsung.

Đây chính là hiệu quả của mô hình phát triển chiều ngang và dọc của DGW. Về chiều ngang, cách DGW làm là thiết lập kênh phân phối cho từng ngành hàng, bắt đầu từ laptop vào năm 2021 rồi điện thoại, hàng tiêu dùng, điện tử và M&A để biết vào ngành hàng thiết bị công nghiệp.

Một phần mở rộng các ngành hàng mới, một phần tìm kiếm thêm các nhãn hàng mới trong ngành hàng cũ để có thể tận dụng được kênh phân phối và quy mô để tiết kiệm chi phí vận hành. “Mô hình tăng trưởng này là mô hình tăng trưởng không giới hạn, có thể áp dùng được cho nhiều ngành khác nhau dựa trên sức tiêu dùng 100 triệu dân Việt Nam đang còn khá trẻ và thu nhập đang tăng.”, ông Việt khẳng định.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết quan điểm của Digiworld đã tăng trưởng phát triển nhưng phải bền vững, không muốn quá nóng để có thể dẫn đến sự đổ vỡ về nguồn vốn hay sự thiếu hụt về nhân sự khiến việc mở rộng không hiệu quả.

Với mô hình phát triển theo chiều dọc, Digiworld đại diện cho các thương hiệu mở cửa hàng Brandshop trên cả môi trường offline và online. Đây được coi như dịch vụ dùng để phục vụ các nhãn hàng. Không nhà bán lẻ nào có thể trưng bày tất cả sản phẩm của nhãn hàng, vì vậy họ sẽ có nhu cầu mở một Brandshop để giới thiệu tất cả các sản phẩm của họ. Đây là chiến lược D2C (direct to consumer).

Ngoài ra, khi kênh phân phối của Digiworld đã vững mạnh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết Digiworld có thể sẽ cân nhắc khả năng làm nhãn hàng riêng hoặc M&A với những công ty sản xuất đang có sản phẩm phù hợp với công ty, ví dụ như thương hiệu Nestle, RapidFor thuộc ngành hàng tiêu dùng, thuốc cà thiết bị y tế hay thương hiệu Ansell thuộc ngành hàng thiết bị công nghiệp.

“Chúng tôi không bao giờ ngần ngại tăng trưởng hết khả năng của mình, vì chúng tôi nhìn về mục tiêu lâu dài khi thị trường thuận lợi và cần phải dốc sức tối đa để chiếm thị phần và mở thêm sản phẩm mới, ngành hàng mới. Chúng tôi cũng chưa bao giờ lo ngại rằng mức nền cao sẽ khiến tăng trưởng kém đi”, ông Việt cho hay.

Bước đi mới bắt kịp xu hướng của Digiworld?

Dù đã đạt những thành tựu nhất định trong bước đầu chuyển hướng đẩy mạnh ngành hàng tiêu dùng, song Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt khiêm tốn nhận định Digiworld đang chỉ là con cá bé trên thị trường. Quy mô phát triển ngành hàng tiêu dùng lên tới 50 tỷ đô song nhiều ông lớn đã sớm khẳng định vị thế trên thị trường này.

Trong xu hướng, vốn FDI tích cực chảy vào thị trường Việt Nam, các nhà máy Trung Quốc đang dần dịch chuyển sang các nước lân cận và đặc biệt là nước ta. Theo Chủ tịch Digiworld, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất của thế giới. Xu thế này sẽ thúc đẩy nhu cầu thiết bị phục vụ công nghiệp bùng nổ. Trong khi đó, các nhà cung cấp trong ngành hàng này còn đàn khá nhỏ. Digiworld kỳ vọng mảng thiết bị công chính là mấu chốt tạo nên sự đột phá. Công ty dự định chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ về cầu.

Digiworld (DGW) hồi phục mạnh mẽ: Tất cả các ngành hàng đón tin vui quý 2/2023

Digiworld, TNG lần thứ 7 được vinh danh tại IR Awards, số lần nhận giải bằng Hòa Phát, Vingroup

Digiworld bắt tay Lexmark đẩy mạnh số hoá doanh nghiệp Việt - Bệ phóng vươn xa, chinh phục thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhin-co-cau-doanh-thu-bat-mi-bi-quyet-tao-da-tang-truong-cua-digiworld-khi-ict-bao-hoa-194519.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nhìn cơ cấu doanh thu, bật mí bí quyết tạo đà tăng trưởng của Digiworld khi ICT bão hoà
POWERED BY ONECMS & INTECH