Việc Nga rút khỏi các cơ chế hợp tác thương mại đa phương trong đó có WTO làm gia tăng nguy cơ phân mảng của thương mại quốc tế và làm trầm trọng hơn những vấn đề kinh tế toàn cầu.
Theo các báo cáo truyền thông, ông Peter Tolstoy, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, mới đây đã tiết lộ rằng Nga đã rút khỏi Ủy ban châu Âu và bước tiếp theo sẽ là rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì tổ chức này đang phớt lờ các nghĩa vụ của mình đối với Nga. Trước đó, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ hủy bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc dành cho Nga.
Nga vẫn luôn là thành viên tích cực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các nỗ lực toàn cầu, nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, đa cực. Đây là thông điệp được Moscow gửi đi tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Peterburg đang diễn ra tại thành phố lớn thứ 2 và được xem là “trái tim văn hóa” của nước Nga.
Theo Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov, dù không hoàn hảo, song WTO vẫn là cơ chế duy nhất, để đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nước. Nga sẵn sàng hợp tác thương mại tích cực với các thành viên WTO và các nước đang phát triển trong khi đảm bảo lợi ích quốc gia của mình.
“Nga sẵn sàng hợp tác thương mại với tất cả các quốc gia và tất cả các đối tác. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, tất cả các lệnh trừng phạt và hành vi xâm phạm thương mại được áp đặt trở lại, bất chấp việc Nga vẫn luôn tuân thủ những quy định của WTO. Nga chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng để bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên Nga là một quốc gia cởi mở và vì thế sẽ hợp tác thương mại tích cực với các nước thành viên WTO cũng như các nước đang phát triển. Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của đất nước mình và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một hệ thống thương mại đa cực”, Bộ trưởng Maxim Reshetnikov cho biết thêm.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997, Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Peterbur đã trở thành diễn đàn toàn cầu hàng đầu, để cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về các vấn đề kinh tế quan trọng mà Nga, các thị trường mới nổi và thế giới đang phải đối mặt. Tuy nhiên, viễn cảnh về một sự rút lui của Nga khỏi các cơ chế hợp tác thương mại đa phương, trong đó có WTO nhằm phản ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gia tăng nguy cơ một sự phân mảng của thương mại quốc tế và làm trầm trọng hơn những vấn đề kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa và hợp tác đa phương đang lâm nguy, việc Nga vẫn mời những quốc gia mà nước này coi là “không thân thiện” như Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Đức hay Hà Lan đã gửi đi thông điệp về một nước Nga cởi mở, sẵn sàng hợp tác quốc tế rộng rãi nhằm giải quyết các nhiệm vụ ưu tiên mà nhân loại phải đối mặt.
Tuy nhiên, Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay cũng thể hiện những ưu tiên mới của nước Nga trong hợp tác kinh tế quốc tế. Cụ thể, đối thoại Nga-Trung sẽ giải quyết những thách thức chưa từng có mà hai nước hiện đang đối mặt, cùng các kế hoạch hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Đối thoại Nga- châu Phi tập trung vào vấn đề an ninh lương thực và năng lượng. Hay đối thoại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và ASEAN thảo luận về việc phát triển các dự án môi trường và khí hậu, hợp tác công nghiệp và chuyển đổi số.
Theo Tổng thống Nga V. Putin, mặc dù nhiệm vụ hiện tại của đất nước là củng cố chủ quyền kinh tế của mình, nhưng Nga sẽ không đóng cửa và sẽ tiếp tục hướng tới sự cởi mở và hợp tác kinh tế rộng rãi.
Toàn cầu hóa có thể "sống sót" trước thương chiến Mỹ - Trung?
Việt Nam cam kết ủng hộ các sáng kiến cải cách nâng cao hiệu quả hoạt động của WTO