Những người đếm tiền cho tỷ phú...
Trong lúc nhà đầu tư còn bi quan, ngờ vực, VinFast (VFS) đã niêm yết được 1 tuần trên sàn Nasdaq.
Ngày 15/8 vừa qua, VinFast đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq (Mỹ) qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình vươn ra biển lớn.
Sự tự hào là những dư âm vẫn còn đọng lại sau 1 tuần giao dịch của cổ phiếu VFS tại "xứ người". Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những ý kiến bi quan, ngờ vực về VinFast. Người thắc mắc về tỷ lệ float thấp, người hoài nghi về khả năng thổi giá, người tập trung đếm tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng,... đang trở thành tâm điểm bàn luận của nhà đầu tư trên các diễn đàn.
Trong phiên giao dịch ngày 21/8 (giờ Mỹ), cổ phiếu VinFast đóng cửa tăng 14,2% lên 17,58 USD/cp. Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm 2,2 tỷ USD lên 23,5 tỷ USD - xếp thứ 68 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes.
Dù vậy, ông Vương chưa thể lấy lại ngôi vị giàu nhất Đông Nam Á như đã đạt được trong phiên VinFast chào sàn Nasdaq (hôm 15/8 cổ phiếu VFS đóng cửa ở mức hơn 37 USD/cp và khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ở mức 44,5 tỷ USD - lọt Top 30 người giàu nhất hành tinh).
Trong bài viết này, tác giả thông tin tới độc giả một góc nhìn khác về VinFast, về cổ phiếu VFS và tỷ phú Phạm Nhật Vượng dưới lăng kính của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Không ít nhà đầu tư bàn luận, "đội lái VFS giỏi thật, "úp bô" cả Tây!". Theo ông Nhân, đó là quan điểm chộp giật của những người mang tư duy đầu cơ, tư duy T+. Để có được một tập đoàn lớn hiện diện trên sàn chứng khoán Mỹ là cả công sức, nỗ lực thậm chí của hệ thống chính trị.
Tôi vẫn nhớ thời điểm VinFast xuất xưởng lô 999 xe điện đầu tiên sang Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã đích thân ra tận cầu cảng chúc mừng thắng lợi. Vingroup hay VinFast không chỉ là thành công của doanh nghiệp mà chính là bộ mặt của quốc gia.
Tôi không nghĩ Phố Wall, đỉnh cao của giới tài chính lại là nơi dễ để thổi giá, thao túng giá trị trường. Nghĩ như vậy dễ hỏng tư duy đầu tư!
Tôi vẫn nhớ thời điểm ông Vượng chia sẻ với lãnh đạo Tập đoàn Viettel về câu chuyện cắm cờ trên sàn chứng khoán Mỹ. Đến nay, điều đó đã thành hiện thực.
Những năm về trước, người ta kháo nhau "ô tô Việt Nam làm thì ai đi". Tôi không bàn luận tính đúng sai của quan điểm này. Ngày nay, xe VinFast dễ thấy ở khắp đất nước. Nói như cách "trong khi các bạn còn bận uống trà sữa, em đã là hoa hậu rồi" thì ở đây, trong khi nhiều ý kiến còn chê bài, dè bỉu, VinFast đã sản xuất được rất nhiều ô tô rồi và họ cũng đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người rồi.
Tôi không dám khẳng định VinFast có thể trở thành một thế lực toàn cầu nhưng với tầm nhìn "mãi mãi tinh thần khởi nghiệp" của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, tôi tin việc VinFast "rung chuông" tại Mỹ sẽ không phải là một thất bại.
Nhà đầu tư chứng khoán đã từng nhiều lần chiến bại vì thị trường chứng khoán. Theo đó, bất kỳ một công ty khởi nghiệp nào cũng có quyền được thất bại. Điều nhận lại là sau thất bại đó, chúng ta làm gì, "cắt lỗ" dứt khoát và làm lại hay tiếp tục "gồng lỗ"?
Tôi vẫn nhớ Vingroup từng làm TV, điện thoại, xe xăng, từng tham gia sân chơi ngành bán lẻ. Sau một thời gian không hiệu quả, Vingroup đều "cắt lỗ". Ngay kể cả mảng xe, lần "cắt lỗ" gần nhất của Vingroup chính là dừng toàn bộ việc sản xuất xe xăng để tập trung cho chiến lược tiến công thị trường tiềm năng - xe điện.
Ở mũi tiến công chủ đạo này, còn nhớ tại ĐHCĐ thường niên 2023, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup từng chia sẻ năm vừa qua VinFast "thay máu" toàn bộ dàn lãnh đạo công ty nhằm hướng tới hiệu quả tối ưu. Vị chủ tịch cũng nhấn mạnh, nếu làm VinFast chỉ để kiếm tiền thì Vingroup không dại gì lao vào lĩnh vực khó khăn gian khổ. Đây là trách nhiệm với xã hội, với đất nước của chúng tôi.
Hãy để VinFast có thêm thời gian để thể hiện mình!