Nỗ lực cuối cùng của ông Lê Phước Vũ trước khi rời Hoa Sen (HSG)

21-03-2022 16:21|Đức Anh

Vị Chủ tịch Hoa Sen (HOSE: HSG) cho biết đã túc trực cả tuần ở văn phòng thay vì lên núi tu tập, dốc toàn sức cho dự án chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng vì muốn để lại "di sản" cho nhân viên và cổ đông.

Tại phiên họp thường niên sáng 21/3/2022, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ cho biết, những năm trước, ông chủ yếu ở trên núi, vài ba tháng mới xuống thành phố họp ban lãnh đạo rồi lập tức quay về ngay. Tuy nhiên, gần đây, ông túc trực ở văn phòng cả tuần để họp với nhà cung cấp. Vài ngày tới, ông sẽ bay sang Trung Quốc gặp đối tác.

"Tôi phải trực tiếp là người mở đường cho nó", ông Vũ chia sẻ vai trò của mình trong chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng Hoa Sen Home - dự án được ông xem là "nỗ lực cuối cùng" trước khi rời tập đoàn.

Năm ngoái, người đứng đầu Hoa Sen tuyên bố rút khỏi công ty vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập. Trong thời gian còn lại, ông muốn chuyển đổi tập đoàn này từ một nhà sản xuất tôn thép, ống nhựa thành một nhà phân phối vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất.

Lý giải về quyết định này, ông Vũ cho biết, doanh số xuất khẩu của Hoa Sen đã vượt mốc 1 tỷ USD và tập đoàn đã đứng đầu ngành tôn, đứng thứ hai ngành thép và thứ ba về ống nhựa. Muốn phát triển hơn nữa thì bắt buộc phải đầu tư lớn để làm tổ hợp thép, nhưng Hoa Sen đã thử và từ bỏ vì không phù hợp. Do đó, tập đoàn chuyển hướng sang phân phối để tận dụng cơ hội chín muồi từ hệ thống phân phối, khách hàng, đội ngũ quản trị và thương hiệu.

Người đứng đầu Hoa Sen nhiều lần nhấn mạnh sẽ không ưu tiên sản xuất nữa và tài sản nào không cần thiết thì bán hết. Tập đoàn từ nhà cung cấp sẽ trở thành đối tác của hàng nghìn nhà cung cấp khác. Nhà cung cấp hay đối tác nào làm ăn tốt, tập đoàn có thể cân nhắc đầu tư tài chính để nắm 20-30% vốn.

Ông Vũ cho rằng nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở luôn có. Chi phí đầu tư một căn nhà cấp bốn phổ biến là một tỷ đồng, còn ai khá giả hơn sẵn sàng bỏ vài tỷ đến vài chục tỷ. Nếu triển khai hệ thống thành công, ông cho rằng doanh thu 5 hay 10 tỷ USD một năm không phải là con số viển vông. Điều này có thể kéo theo giá cổ phiếu lên 100.000 đồng, thay vì dao động quanh vùng 30.000-40.000 đồng như hiện nay.

Ông Vũ khẳng định bản thân đang dốc hết sức cho dự án này vì muốn để lại di sản cho nhân viên và cổ đông đầu tư vào Hoa Sen. Tuy nhiên, ông nhắc cổ đông không nên nóng lòng bởi hai năm tới dự án này vẫn trong giai đoạn hoàn thiện về hệ thống, công nghệ, nhân sự, chính sách bán hàng... nên quả ngọt chưa đến ngay.

Đối với mục tiêu ngắn hạn là niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen vẫn trông chờ vào hoạt động xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Tập đoàn đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ đạt 2 triệu tấn và doanh thu xấp xỉ 46.400 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế được chia làm ba kịch bản, lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và lạc quan nhất là 2.500 tỷ đồng do phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.

Nói về nguyên nhân đặt mục tiêu tăng trưởng âm so với cùng kỳ, ông Vũ cho rằng thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động hơn trước như sức mua trong nước giảm đáng kể sau hai năm dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine có dấu hiệu kéo dài và các chi phí đầu vào lên cao.

Ông Vũ nói thêm, kế hoạch doanh thu giảm gần 5% vì không muốn tạo sức ép quá lớn cho đội ngũ điều hành. Ổng chỉ giao nhiệm vụ trọng yếu trong thời gian tới là phát triển chuỗi vật liệu xây dựng, giảm dư nợ dài hạn về mức 0 vào giữa năm sau và giữ mức lãi khoảng 1.500 - 2.000 tỷ mỗi năm.

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đang tìm kiếm đối tác cùng phát triển hệ thống siêu thị Hoa Sen Home

Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty sản xuất ống thép

Bài thuộc chủ đề Sắt thép
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-luc-cuoi-cung-cua-ong-le-phuoc-vu-truoc-khi-roi-hoa-sen-hsg-123690.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nỗ lực cuối cùng của ông Lê Phước Vũ trước khi rời Hoa Sen (HSG)
    POWERED BY ONECMS & INTECH