Tài chính Ngân hàng

Nợ xấu tại các ngân hàng bật tăng mạnh

Anh Khang 26/07/2023 - 20:29

Báo cáo tài chính quý 2/2023 tại nhiều ngân hàng cho thấy, nợ xấu tại các nhà băng đang có xu hướng ngày một tăng cao.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPBank) vừa công bố BCTC quý 2/2023. Theo đó, tổng số dư nợ xấu tính đến hết quý 2/2023 của ngân hàng này tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm, lên 3.912 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 5,6 lần lên thành 2.146 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp 2,5 lần, lên gần 1.130 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng vì thế đã tăng mạnh từ mức 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,21%.

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) cũng ghi nhận tổng nợ xấu tại ngày 30/6/2023 đạt 1.756 tỷ đồng, tăng vọt 58% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của BaoVietBank tăng gấp đôi lên 1.523 tỷ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng 41% lên 154 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 3,34% lên tới 4,69%.

Tương tự, dư nợ xấu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) cũng tăng đến 61% so với hồi đầu năm, lên mức 3.820 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 4,55% thay vì mức 2,89% hồi đầu năm nay.

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - Mã: BAB) ghi nhận nợ xấu tăng hơn 32% so với hồi đầu năm, lên khoảng 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh 316% lên 175 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dù vẫn ở mức thấp là 0,7%, nhưng đã tăng đáng kể so với tỷ lệ 0,55% vào đầu năm.

Điều tương tự cũng xảy ra với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB) khi nhà băng này ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng đến 80% sau nửa đầu năm, lên mức 2.438 tỷ đồng. Tổng số dư nợ xấu theo đó cũng tăng mạnh 65% lên thành 5.656 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank - Mã: PGB), nợ xấu sau 6 tháng qua cũng tăng thêm gần 12,7% kéo tỷ lệ nợ xấu lên mức 2,77% tính đến hết tháng 6/2023.

Theo giới chuyên gia, hiện chưa phải mức đỉnh của nợ xấu bởi nhiều khoản nợ vẫn còn được cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ. Tới khi thông tư hết hiệu lực, những khoản nợ này sẽ chuyển nhóm, khiến con số nợ xấu thực tế gia tăng mạnh hơn nữa trong năm 2024.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Ông nhận định rõ ràng con số nợ xấu đã tăng so với năm 2022 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Để giảm gánh nặng nợ xấu trong tương lai, các tổ chức tín dụng vẫn đang chủ động trích lập dự phòng rủi ro để tăng nguồn lực xử lý nợ xấu.

"Thông tư 02 đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kể cả chưa chuyển nhóm nợ vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo trường hợp xấu nhất xảy ra vẫn có nguồn lực xử lý. Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào khoảng 135% tổng dư nợ nền kinh tế, không cao như thời gian trước nhưng đó vẫn là nguồn lực quan trọng để ngân hàng có thêm năng lực xử lý nợ xấu", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Tài khoản ngân hàng có thể bị phong tỏa, đóng khi nào? Cách xử lý nhanh nhất cho khách hàng

Các NHTW đồng loạt họp kín, thế giới ‘đứng ngồi không yên’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-xau-ngan-hang-bat-tang-manh-194035.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nợ xấu tại các ngân hàng bật tăng mạnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH