OCB dự kiến phát hành tối đa 26.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023.
Nợ xấu tăng nhanh
Theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), số dư nợ xấu tính đến cuối quý 1/2023 của nhà băng này đã tăng 51% so với đầu năm, lên gần 4.045 tỷ đồng.
Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tại OCB tăng 54%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đã bị kéo tăng từ 2,2% lên 3,3% - thuộc top cao nhất hệ thống.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của OCB. |
Bên cạnh đó, tính đến cuối quý 1/2023, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tại OCB so với đầu năm cũng tăng tới 62% (từ 3.034 tỷ đồng leo lên 4.917 tỷ đồng). Dù chưa được xếp vào nhóm nợ xấu nhưng việc nợ cần chú ý nhảy vọt chỉ ra khả năng tiềm ẩn nợ xấu của OCB đang ở mức khá cao.
Đáng chú ý, cặp chỉ tiêu dư nợ xấu - tỷ lệ nợ xấu tại OCB trong quý 1/2023 cũng đang đạt mức kỷ lục trong các năm trở lại đây.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của OCB |
Nợ xấu có xu hướng tăng nhanh dẫn đến áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng ngày càng lớn. Cuối quý 1/2023, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của OCB ở mức 1.892 tỷ đồng, tăng gần 20% từ mức 1.582 tỷ đồng vào cuối năm 2022 nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng lại giảm từ 59% xuống 47% sau 3 tháng đầu năm - nằm trong nhóm các ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng nhất.
Chuẩn bị huy động 26.000 tỷ đồng trái phiếu
Mới đây, OCB công bố nghị quyết Hội đồng Quản trị về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023.
Theo đó, OCB dự kiến phát hành tối đa 26.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023. Mệnh giá của trái phiếu này tương ứng 1 tỷ đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bản đảm/bảo lãnh thanh toán.
Theo kế hoạch lượng trái phiếu này sẽ được phát hành thành 15 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong quý 2, 3 và 4/2023. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nguồn: OCB |
Tiền thu được từ phát hành trái phiếu, OCB dự kiến dùng để tăng thêm nguồn vốn để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành.
Trước đó, OCB đã thanh toán đủ gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành này.
Thực tế, trong 2 năm trở lại đây, OCB là một trong số những ngân hàng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu. Chỉ trong năm 2021 và 2022, ngân hàng này đã chào bán thành công 28 lô trái phiếu đều có kỳ hạn ngắn 3 năm với tổng giá trị phát hành là 23.300 tỷ đồng
Cụ thể, thống kê số liệu từ chuyên trang về trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2021, OCB đã chào bán thành công 11 lô trái phiếu với giá trị phát hành lên tới 11.000 tỷ đồng. Sang đến năm 2022, con số này đã tăng lên 17 lô trái phiếu với giá trị phát hành lên tới 12.300 tỷ đồng.
Nguồn: HNX |
Ở chiều ngược lại, theo báo cáo tài chính hợp nhất của OCB, tính đến hết quý 1/2023, ngân hàng nắm giữ gần 3.292 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 10% so với đầu năm.