"Nối gót" Hòa Phát, Hoa Sen (HSG) báo lỗ khủng quý cuối niên độ 2021 - 2022

29-10-2022 23:10|Thanh Long

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã HSG - HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 niên độ tài chính 2021 - 2022 với kịch bản tương tự Hòa Phát (Mã HPG).

Ghi nhận trong quý, Hoa Sen thu về 7.939 tỷ đồng doanh thu - giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Việc kinh doanh dưới giá vốn (8.170 tỷ đồng) khiến tập đoàn lỗ gộp hơn 230 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Trong kỳ, HSG ghi nhận doanh thu tài chính giảm 35 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Các khoản chi phí hoạt động như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm so với cùng kỳ 111,5 tỷ - 662 tỷ - 104 tỷ song Tập đoàn của Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ vẫn lỗ ròng gần 900 tỷ đồng trong quý cuối niên độ 2021 - 2022 này.

Đáng nói, đây cũng là quý đầu tập đoàn này báo lỗ kể từ mức lỗ 102 tỷ đồng trong quý 4/2018 (từ 1/7 - 30/9/2018).

Lũy kế cả niên độ, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận tổng doanh thu hơn 49.700 tỷ đồng - vượt kế hoạch cả năm (chỉ 46.400 tỷ đồng); do lỗ nặng quý vừa qua nên lợi nhuận sau thuế của công bị bị bào mòn còn vỏn vẹn 251 tỷ đồng - tương ứng chỉ thực hiện vỏn vẹn 17% chỉ tiêu lãi cả năm.

KQKD của Hoa Sen niên độ tài chính 2021 - 2022 (Đvt: Tỷ đồng)

Lý giải về kết quả này, Hoa Sen cho biết các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn chồng chất trong năm nay với giá đầu vào (chủ yếu từ nửa cuối năm ngoái) tăng cao tỏng khi giá thành phẩm bán ra trong năm nay liên tục xuống thấp.

Giá thép giảm liên tục trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho phục vụ cho hoạt động kinh doanh không thể giảm ngay lập tức dẫn đến sự sụt giảm mạnh biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu về các mặt hàng không thiết yếu (trong đó có thép) của các nước suy giảm mạnh qua đó gây ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam.

Ngoài ra, việc tăng lãi suất, biến động tỷ giá cũng làm tăng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp; tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu như thép cán nóng, kẽm thỏi, hợp kim nhôm kẽm của các doanh nghiệp tôn mạ và tăng chi phí chênh lệch tỷ giá với các khoản vay bằng USD. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng gây ra cuộc khủng hoảng giá năng lượng, khiến chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp tăng cao.

Ghi nhận tại báo cáo thuyết minh, đến cuối niên độ, Hoa Sen đang có tổng tài sản ở mức quy mô tài sản là 17.023,9 tỷ đồng - giảm mạnh tới 9.600 tỷ (36%) so với thời điểm đầu năm. Mức hiện thời thậm chí thấp hơn cả mức 21.205,6 tỷ đồng hồi quý 4/2018 khi tập đoàn báo lỗ - tương ứng giảm 20% sau 4 năm nhưng lỗ quý cuối niên độ lại tăng tới 871%.

Trong cơ cấu tổng tài sản của Tập đoàn đến cuối niên độ 2021 - 2022, tiền mặt và tương đương giảm mạnh về còn 330 tỷ; giá trị hàng tồn kho chiến tới 43,3% tỷ trọng với 8.090 tỷ đồng  - giảm 35% so với đầu năm. Tuy nhiên, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại tăng khủng tới 246% lên mức 716 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 1.460 tỷ đồng - chiếm 8,6%.

hsg-4.jpg

Phía Hoa Sen cho biết tồn kho giảm chủ yếu do công ty giảm thành phẩm, hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, hàng mua đang đi trên đường,…

Tính tới ngày 30/9/2022, tổng nợ phải trả của tập đoàn giảm tới 61% so với thời điểm đầu niên độ về còn 6.140 tỷ đồng trong đó phải trả người bán ngắn hạn giảm từ 4.294 tỷ về còn 1.040 tỷ đồng;  vay nợ tài chính giảm 38,8% so với đầu năm về mức 4.187 tỷ đồng (bao gồm 4.70 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn).

Dù vậy, khoản vay nợ tài chính vẫn ở mức cao khiến HSG phải chịu tới 520 tỷ đồng chi phí lãi vay trong niên độ kinh doanh này.

Lưu chuyển tiền thuần đến cuối kỳ tăng 2,54 lần lên mức âm 216 tỷ trong đó lưu chuyển dòng tiền từ hoạt động đầu tư và tài chính đều âm nặng lần lượt ở mức âm 408 và âm 2.651 tỷ đồng.

Đến cuối kỳ, khoản ngoại tệ bằng USD của Tập đoàn Hoa Sen chỉ còn mức 1,960 triệu USD trong khi đầu niên độ vẫn ghi nhận mức 10,57 triệu USD.

Sau 1 năm, vốn chủ sở hữu của Hoa Sen gần như không thay đổi và vẫn giữ ở mức 10.8xx tỷ đồng; trong số này, tập đoàn đang có 4.542 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trước HOa Sen, ông lớn đầu ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa báo lỗ quý 3/2022 gần 1.800 tỷ đồng trước áp lực giá vốn và tỷ giá. Chi tiết

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HSG liên tục phản ánh diễn biến kém sắc từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tình hình chung của thị trường chứng khoán và kết phiên 28/10/2022 giảm sàn còn 12.250 đồng thị giá. Nếu tính từ đầu năm, mã hiện đã giảm hơn 60% giá trị.

Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế

Novaland (NVL) chấm dứt hợp đồng kiểm toán với đơn vị thuộc Big4 sau gần một thập kỷ hợp tác

Đình chỉ kiểm toán viên liên quan báo cáo tài chính năm 2023, Quốc Cường Gia Lai (QCG) nói gì?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/noi-got-hoa-phat-hoa-sen-hsg-bao-lo-khung-quy-cuoi-nien-do-2021-2022-155825.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Nối gót" Hòa Phát, Hoa Sen (HSG) báo lỗ khủng quý cuối niên độ 2021 - 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH