Chị Nga, Kế toán trưởng 1 doanh nghiệp sản xuất đang làm thủ tục vay ngân hàng cho biết: "Ngân hàng giờ hơi tí là phạt! Trả nợ trước hạn, phạt. Không giải ngân, phạt. Giải ngân không đủ số tiền cam kết, cũng phạt!"
Là người chịu trách nhiệm cao nhất trước lãnh đạo doanh nghiệp về các khoản vay, chị Nga phải đọc kỹ từng điều khoản trên bản hợp đồng cấp tín dụng (HĐTD) ngắn hạn đang chuẩn bị tái ký với một ngân hàng lớn.
"Quá nhiều quy định ràng về việc giải ngân, nếu không tính kỹ sẽ bị ngân hàng phạt. Tôi phải ngồi tính toán lại về dòng tiền và nhu cầu vốn của doanh nghiệp", chị Nga nói.
Doanh nghiệp của chị đã làm việc với nhà băng này đã vài năm nhưng đến lần ký lại hạn mức năm nay, nhân viên tín dụng cho biết đã có một số thay đổi về điều kiện áp dụng lãi suất ưu đãi và các khoản phí (phạt).
Đây cũng chính là nội dung mà doanh nghiệp quan tâm nhất, bởi lẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí tài chính trong kỳ của doanh nghiệp.
Về lãi suất, doanh nghiệp của chị Nga được ưu đãi lãi suất ở mức 6,5%/năm. Tuy nhiên, không phải mặc nhiên khách hàng được áp dụng ưu đãi mà đi kèm với tương đối nhiều điều kiện. Trong đó, quan trọng nhất là uy tín thanh toán (dư nợ vay tại các TCTD thuộc nhóm 1) và sử dụng vốn đúng mục đích.
Nhóm điều kiện này có thể xếp vào điều kiện “kỹ thuật”, phù hợp với quy định về việc quản lý, kiểm soát mục đích vay vốn cũng như chất lượng tín dụng của khách hàng. Trong trường hợp khách hàng vi phạm, ngân hàng sẽ truy thu lại ưu đãi lãi suất đã được áp dụng.
Bên cạnh đó, cũng có 1 số điều kiện về mặt “kinh doanh” như yêu cầu CASA, TOI bình quân, thu nhập hoạt động trên dư nợ bình quân (ROA)… Đây là những điều kiện dạng “bia kèm lạc”, được đưa ra để khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ sản phẩm của ngân hàng hơn như tài khoản, trả lương,…
Đa phần các nhà băng hiện nay đều áp dụng lãi suất ưu đãi theo cách này, nhằm gia tăng lợi ích từ một khách hàng đem lại, đa dạng hóa cơ cấu thu nhập ngoài lãi.
>> Có nguy cơ bị cấm bán tại kênh ngân hàng, bảo hiểm liên kết đầu tư sụt giảm mạnh doanh số
Một phần hình ảnh hợp đồng |
Về mặt phí, hợp đồng tín dụng của ngân hàng này cho thấy khá nhiều khoản phí, phạt. Theo đó, khách hàng có thể sẽ mất phí nếu rơi vào một trong những trường hợp sau:
Trường hợp 1: Khách hàng trả nợ trước hạn để sang bên khác vay (tái tài trợ). Mức phạt từ 2%-5% (tùy theo thời gian còn lại của khoản vay) nhân với số tiền trả trước hạn.
Trường hợp 2: Khách hàng sau khi ký HĐTD phải cam kết đến 1 mốc thời gian (ngày tháng cụ thể) sẽ giải ngân. Nếu đến thời gian đã cam kết khách hàng chưa giải ngân sẽ mất Phí cam kết rút vốn = 1% x Hạn mức x Số ngày tính phí/365 ngày.
Giả sử, hạn mức 20 tỷ đồng. Khách hàng ký hợp đồng ngày 1/1/2024, cam kết đến 1/3/2024 sẽ giải ngân. Nếu đến 10/3 mới giải ngân lần đầu tiên, khách hàng sẽ bị phạt số tiền là: 1% x 20 tỷ đồng x 10 ngày/365 ngày = 5,47 triệu đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp khách hàng ký xong HĐTD mà không giải ngân thì vẫn phải chịu lãi suất 1%/năm cho toàn bộ hạn mức tín dụng đã được ngân hàng cấp.
Trường hợp 3: Cùng với cam kết thời hạn giải ngân, khách hàng còn phải cam kết tổng số tiền giải ngân tối thiểu trong thời hạn hợp đồng. Nếu không giải ngân đủ sẽ phải chịu Phạt vi phạm cam kết rút vốn, bằng 1% x số tiền giải ngân còn thiếu so với cam kết.
Như vậy, có thể thấy quy định của ngân hàng khá chặt chẽ, theo hướng đã cấp hạn mức là khách hàng phải sử dụng và sử dụng đáng kể hạn mức. Điều này sẽ có lợi hơn cho ngân hàng trong các kế hoạch về tăng trưởng tín dụng, phân bổ nguồn vốn…
Đứng trên góc độ hiệu quả kinh doanh, chẳng ngân hàng nào muốn cấp cho khách hàng hạn mức 20-30 tỷ đồng mà khách hàng chỉ giải ngân 2-3 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sẽ phải tính toán, cân nhắc nhiều hơn khi lên các phương án sử dụng vốn, bởi lẽ giải ngân quá ít (không đạt được mức cam kết) có thể sẽ bị phạt.
Trên thực tế, ngoài các khoản chi cho vốn lưu động của doanh nghiệp đa phần có kế hoạch ổn định như chi lương, chi tiền điện, nước, thanh toán công nợ cho đối tác,… còn có những khoản chi có tính chất không thường xuyên. Chẳng hạn như khi giá đầu vào rẻ, nhà cung cấp có khuyến mãi… doanh nghiệp muốn tăng dự trữ tồn kho hay còn gọi là “ôm hàng”, nhu cầu giải ngân vốn lưu động cũng có thể biến động mạnh.
Vì lẽ đó, không ít các ông chủ doanh nghiệp có tâm lý muốn được cấp hạn mức tín dụng cao hơn nhu cầu thường xuyên, để dự phòng trong các trường hợp có biến động giá, cần tích trữ, găm hàng... Hoặc một số chủ doanh nghiệp dư dả tài sản, có thể làm hạn mức ở nhiều bên, sau đó "đi chợ", chọn ngân hàng lãi suất thấp để giải ngân.
Tất nhiên, ở đây không bàn đến câu chuyện sử dụng vốn sai mục đích.
Cuối cùng, trước “ma trận” phí, kế toán và các ông chủ buộc phải tính toán nhiều hơn khi quyền đàm phán không nằm nhiều trong tay họ bởi lẽ giấy tờ tài sản đã được gửi hết cho ngân hàng và còn những nghĩa vụ nợ trung hạn chưa thể rời đi, như trường hợp doanh nghiệp của chị Nga.
Quy định hoàn toàn mới về ngân hàng chuyển giao bắt buộc
Có nguy cơ bị cấm bán tại kênh ngân hàng, bảo hiểm liên kết đầu tư sụt giảm mạnh doanh số