Nơi lưu giữ gần 34.000 bộ chính văn, chính sử từ thời Hùng Vương, là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam
Đây là mộc bản về chính văn, chính sử với số lượng đồ sộ, được xem là "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Bộ Nội vụ) tọa lạc tại phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hiện đang lưu giữ 33.971 tấm mộc bản triều Nguyễn. Đây là một công trình mang tính bách khoa, vô giá, độc nhất và đậm dấu ấn thời cuộc. Những tấm gỗ được khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, vốn là phương pháp phổ biến tại Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.
Dưới triều Nguyễn, nhằm phổ biến rộng rãi các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, cũng như để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa và ghi lại các sự kiện lịch sử, triều đình đã biên soạn và khắc in rất nhiều tác phẩm chính văn, chính sử để truyền bá khắp nơi. Trong quá trình này, một loại hình tài liệu đặc biệt đã được hình thành, đó chính là mộc bản triều Nguyễn.
Theo các nhà sử học, thành phần của tài liệu mộc bản triều Nguyễn bao gồm: những tài liệu được sản sinh trong quá trình hoạt động của các vua triều Nguyễn và một phần rất quan trọng là các tài liệu mộc bản được khắc trước triều Nguyễn, vốn được chuyển từ Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội về lưu giữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Huế dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.
Nội dung của tài liệu mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam dưới thời phong kiến qua 9 chuyên đề: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội và văn hóa - giáo dục.
Theo Cục Di sản Văn hóa, chỉ riêng về lịch sử, mộc bản triều Nguyễn bao gồm 30 bộ sách với 836 quyển, ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn. Đây được xem là nguồn tư liệu đáng tin cậy và có độ chính xác cao.
Hình thức thể hiện của mộc bản triều Nguyễn cũng rất đặc biệt. Các tài liệu được khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm cổ khắc ngược. Phần lớn khối tài liệu được khắc bằng chữ Hán chân, đôi khi sử dụng chữ Hán thảo và có lúc là bản vẽ, sơ đồ hoặc các họa tiết hoa văn tinh xảo. Những nét chữ khắc trên mộc bản thể hiện sự tinh xảo và điêu luyện, đồng thời chuyển tải tâm tư, tình cảm và tâm huyết của người thợ khắc in.
Mộc bản đầu tiên được triều Nguyễn thực hiện là bộ Hoàng Việt luật lệ vào năm 1811, dưới thời vua Gia Long. Bộ mộc bản cuối cùng được thực hiện vào thời vua Khải Định.
Với 33.971 tấm mộc bản về chính văn, chính sử, bộ sưu tập lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV được coi là lớn nhất Việt Nam. Năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.