Nước sát vách Việt Nam thành công lắp đặt ‘quái vật’ ngoài khơi 17.000 tấn cho thị trường nước ngoài: Cao ngang tòa nhà 24 tầng, diện tích sàn bằng 15 sân bóng rổ
Đường ống của giàn khoan có thể vận chuyển 24 triệu tấn dầu thô và 7,4 tỷ m3 khí đốt mỗi năm khi chính thức đi vào hoạt động.
Theo công ty dầu khí lớn của Trung Quốc CNOOC, giàn khoan dầu khí ngoài khơi nặng nhất của Trung Quốc dành cho thị trường nước ngoài tên Marjan đã được hoàn thiện và bàn giao tại một cơ sở sản xuất ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc vào ngày 12/8.
Theo đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, giàn khoan khổng lồ này mất 3 năm để xây dựng, cao ngang toà nhà 24 tầng, nặng 17.200 tấn và có diện tích sàn bằng 15 sân bóng rổ. Theo báo cáo, đường ống của giàn khoan có thể vận chuyển 24 triệu tấn dầu thô và 7,4 tỷ m3 khí đốt mỗi năm khi chính thức đi vào hoạt động. CCTV cho biết: "Việc hoàn thành giàn khoan dầu khí Marjan đánh dấu bước đột phá trong công nghệ xây dựng thiết bị dầu khí ngoài khơi quy mô lớn của Trung Quốc".
Giàn khoan Marjan được vận chuyển đến mỏ dầu Marjan vào cuối tháng 8 trên một tàu vận tải lớn đến khu vực lắp đặt được chỉ định cách đó khoảng 6.400 hải lý. Giàn khoan là một hệ thống phức hợp được hình thành thông qua mạng lưới đường ống, hệ thống xử lý hóa chất và kiểm soát hoạt động được thiết kế để khai thác và vận chuyển dầu khí ngoài khơi vào đất liền, đóng vai trò là nhà ga chính cho các mỏ dầu ngoài khơi.
Mỏ dầu Marjan nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông của Ả Rập Xê Út, do công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco sở hữu và điều hành. Giàn khoan Marjan sẽ hỗ trợ mỏ dầu Marjan tăng sản lượng hàng năm lên 24 triệu tấn. Việc bàn giao giàn khoan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đang tăng cường các hoạt động hợp tác năng lượng.
*Theo SCMP, Global Times