Ô tô giảm giá sập sàn cuối năm, khách vẫn ngóng ưu đãi tiếp
Tháng 12 luôn là thời gian cao điểm nhất của thị trường ô tô trong nước bởi nhu cầu tậu xe mới đón Tết tăng cao. Tuy vậy, những ngày qua, không khí mua sắm tại các showroom vẫn chưa sôi động như kỳ vọng vì tâm lý chờ giá ô tô giảm tiếp.
Khách mua xe chưa đông như kỳ vọng
Khảo sát của PV VietNamNet tại một số đại lý ô tô ở Hà Nội cho thấy, phần lớn showroom đều không quá đông, thậm chí có nơi thưa vắng người đến xem mua, trái ngược với cảnh tấp nập mọi năm.
Anh Lương Thanh Tuấn, phụ trách bán hàng của một đại lý ô tô Honda lớn tại Hà Nội cho biết, lượng khách mua xe trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tại đại lý này đã tăng cao nhất trong vòng vài tháng trở lại đây, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng.
"Dòng xe khách tìm mua nhiều nhất vào thời điểm này vẫn là Honda City. Ngoài ra, mẫu CR-V mới ra cũng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là bản hybrid. Nhưng để so lượng khách với cùng thời điểm này của những năm trước thì vẫn chưa thấm vào đâu", anh Tuấn chia sẻ.
Tại đại lý Thanh Xuân Ford, những ngày qua, lượng khách đến showroom thậm chí còn ít hơn so với tháng trước. Theo lý giải từ đại lý này, sang tháng 12, chính sách giảm tiền mặt khoảng 25 triệu đối với dòng xe chủ lực Ford Ranger của hãng đã không còn.
Ngoài ra, các đại lý của Ford nói chung cũng bắt đầu cắt giảm những phụ kiện tặng kèm như dán kính, camera hành trình, thảm trải sàn, lót thùng,... của dòng Ranger. Do đó, nhiều khách có nhu cầu mua xe đã chủ động đặt cọc sớm từ tháng 11 để liền lúc hưởng 2 ưu đãi từ hãng và đại lý cũng như từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước.
So sánh về lượng khách trong tuần đầu tiên của tháng 12, anh Nguyễn Thành Công - tư vấn bán hàng của một đại lý THACO-Mazda cho biết, số khách đến xem đã đông hơn nhưng số người "xuống cọc" thì vẫn chưa tăng. Còn so với tháng 12 của những năm trước, khách năm nay phải giảm cỡ 40-50%.
"Dòng CX-5 vẫn đang được quan tâm nhất vì giá tốt, lại cộng thêm đang được giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe trong nước, tính ra cũng vào khoảng 40-50 triệu. Nhưng nhìn chung khách vẫn có thái độ lưỡng lự, phân vân và muốn chờ thêm các ưu đãi mới chốt mua", anh Công chia sẻ.
Một số showroom của Toyota, Hyundai, KIA,… tại các quận trung tâm Hà Nội cũng trong cảnh “chợ chiều” thưa vắng.
Cung vượt quá cầu
Theo báo cáo bán hàng mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết thúc tháng 10, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô là 25.369 xe, giảm nhẹ so với tháng 9/2023 và giảm 31% so với tháng 10/2022
Trong 10 tháng đầu năm, doanh số bán ô tô của các thành viên VAMA giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương giảm hơn 70.000 xe. Ngoài VAMA, Huyndai cũng là hãng xe có doanh số bán sụt giảm khoảng 25% trong 10 tháng đầu năm, tương đương với hơn 16.000 xe.
Dù các hãng xe chưa có báo cáo bán hàng tháng 11, nhưng gần như chắc chắn doanh số 2 tháng cuối năm không thể đủ sức vực dậy cả một năm 2023 - vốn được giới chuyên gia đánh giá là ảm đạm nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Lượng xe bán ra sụt giảm rõ, nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, nguồn hàng xe mới lại có xu hướng tăng khá mạnh, đặc biệt là xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong tháng 11, ước tính có tới khoảng 44.900 chiếc ô tô mới được bổ sung cho thị trường Việt Nam, bao gồm cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, tăng 10,3% so với tháng 10 (với 40.712 chiếc). Riêng sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tháng 11 ước đạt 36.900 chiếc, tăng tới 18,6% so với tháng 10 (với 31.100 chiếc) và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều này cho thấy, các nhà sản xuất trong nước đang rất tự tin vào sự nóng lên của thị trường ô tô tháng cuối cùng của năm 2023 bằng cách tăng lượng sản xuất lên mức cao kỷ lục.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia marketing Nguyễn Văn Phương cho rằng, việc tăng sản lượng của các hãng xe trong nước trong bối cảnh thị trường vẫn đang khá ảm đạm khiến cung vượt quá cầu. Tuy vậy, điều này không hẳn là không có cơ sở, bởi tháng 12 này đang hội tụ rất nhiều yếu tố khiến doanh số bán hàng có thể sẽ "bùng nổ".
Thứ nhất đến từ quy luật chung khi đây luôn là tháng có lượng bán ra nhiều nhất của các năm do đặc điểm về tâm lý mua hàng của khách Việt là "tậu xe chơi Tết".
Thứ hai, khác với cảnh khan hàng, tăng giá, "bia kèm lạc" như mọi năm, các hãng xe lại đang có những chính sách giảm giá rầm rộ ở nhiều phân khúc. Thậm chí nhiều mẫu xe bình dân giá trên dưới 1 tỷ cũng giảm giá mạnh đến cả trăm triệu và liên tục lập nên đáy mới. Giá ô tô đang là tốt nhất trong khoảng gần 10 năm trở lại đây.
Và thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, đó là chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chỉ còn được áp dụng hết tháng 12/2023.
Ông Phương nhận định, Chính phủ đã có 3 lần điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ cho "xe nội" vào những năm 2020, 2021-2022 và 2023 nhằm kích cầu sau dịch Covid-19. Nhưng trong năm 2024 rất khó có thể có thêm một đợt giảm tương tự nào nữa. Và đây có thể là "chuyến tàu cuối" để khách Việt được giảm một khoản tiền đáng kể khi mua xe mới.
"Đối với các hãng xe, rõ ràng đây là giai đoạn rất khó khăn và chắc chắn sẽ còn kéo dài sang năm 2024. Tuy nhiên với người tiêu dùng, tháng 12 này lại chính là thời điểm "vàng" không thể tốt hơn để có thể sở hữu ô tô với giá thấp chưa từng có", vị chuyên gia này chia sẻ.
>> Cuối năm, thị trường ô tô Việt đón "bão" giá giảm sập sàn
>> Ô tô nhập khẩu đua nhau giảm phí trước bạ, khách lợi cả trăm triệu