Ông Nguyễn Đức Nhân: TTCK vào đoạn cuối sóng tăng, vui nhất nhưng cũng rủi ro nhất

Quốc Trung 25/07/2025 - 11:52

Sau mức tăng khoảng 430 điểm (+39,3%) kể từ tháng 4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của sóng tăng hiện tại.

9b5dd190-1ec8-476b-b9d9-08657eec55d5.jpeg
Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm


VN30 đã vượt đỉnh, VN-Index sẽ tiếp bước

Với góc nhìn ví von qua “luận thuyết đàn bò”, ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm cho rằng: Nếu nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như hệ sinh thái Vingroup, Gelex hay các ngân hàng như TCB, STB được ví như “bò mẹ” đã hoàn thành vai trò dẫn dắt, thì nay đến lượt “đàn bê con” – các mã midcap và penny – đang được gọi lên đồi, mang lại biên lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

“Đây là giai đoạn cuối sóng tăng, đầy rủi ro nhưng cũng hấp dẫn nhất, vì tốc độ tăng giá của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ rất nhanh, lan rộng khắp thị trường, tạo nên sự hưng phấn mạnh”, ông Nhân nhận định.

Một tín hiệu tích cực được vị chuyên gia nhấn mạnh là chỉ số VN30 đã vượt đỉnh lịch sử năm 2022, phản ánh một bức tranh dài hạn tươi sáng của thị trường. "Thậm chí ai đó nói đây là chân sóng lớn cho vài năm tới cũng hoàn toàn chuẩn xác”, ông đánh giá.

Dù VN-Index chưa vượt mốc 1.535 điểm – đỉnh cũ thiết lập hồi tháng 1/2022 – nhưng với đà dẫn dắt hiện tại, ông Nhân cho rằng việc tiếp cận hoặc vượt đỉnh này chỉ là vấn đề thời gian. Dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt mốc 1.570 ± 10 điểm trong vòng 2–3 tuần tới, trước khi bước vào một nhịp điều chỉnh trung hạn.

Giai đoạn tăng cuối cùng – sôi động nhưng tiềm ẩn đảo chiều mạnh

Ông Nhân lưu ý, những tuần cuối cùng của một con sóng tăng thường mang lại cảm giác “vui nhất”, khi dòng tiền cá nhân dồn mạnh vào nhóm vốn hóa nhỏ, kéo theo hàng loạt mã tăng giá mạnh. Đơn cử như phiên 23–24/7, các cổ phiếu như PAN, VSC, OCB, SHB, ABB… tăng tốc ấn tượng.

Vị chuyên gia ví von giai đoạn hiện tại như thời điểm 100m nước rút của cuộc đua giữa các vận động viên marathon 10.000m. Lúc này, gia tốc về đích sẽ được tăng lên, các vận động viên cũng cố gắng cán đích sớm nhất chứ không còn lững thững như thời điểm trước đó.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Chính giai đoạn này là rủi ro nhất, vì phiên đảo chiều mạnh luôn hiện hữu”. Theo ông, tín hiệu đảo chiều mạnh sẽ đến khi có một phiên đóng cửa giảm hơn 5%, thanh khoản vượt 2 tỷ USD (tương đương 52.000 tỷ đồng), hoặc chỉ số đóng cửa thủng mốc 1.470 điểm.

So sánh với chu kỳ tăng – điều chỉnh trong những năm trở lại đây, ông Nhân cho rằng lịch sử hoàn toàn có thể lặp lại.

- Lần 1: Tháng 1/2021 khi VN-Index chạm vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm đã lập tức điều chỉnh mạnh và nhanh chỉ trong vòng 2 tuần, giảm gần 15% về mức 1.024 điểm;

- Lần 2: Chỉ trong 3 tuần tháng 7/2021, VN-Index sau khi đạt đỉnh mới 1.420 điểm đã điều chỉnh 13% về 1.24x.

Nếu VN-Index đạt vùng 1.560 điểm, một nhịp điều chỉnh tương tự quanh 15% có thể đưa chỉ số quay về vùng 1.300 ± 20 điểm – tương đương mức chiết khấu mạnh của sóng tăng lần này. Điều này là hoàn toàn có thể.

Ông Nguyễn Đức Nhân: TTCK vào đoạn cuối sóng tăng, vui nhất nhưng cũng rủi ro nhất
Diễn biến chỉ số VN-Index

Mặc dù đây là hệ quả tất yếu, ông Nhân cho rằng một đợt điều chỉnh lớn là cần thiết để thị trường vươn lên tầm cao mới, đặt nền móng cho một chu kỳ tăng tiếp theo. “Sau điều chỉnh, VN-Index có thể hướng đến vùng 1.900 điểm trong nửa đầu năm 2026”, ông nói.

Hiện tại tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư đã gia tăng rõ rệt trong các phiên gần đây, khi thị trường tiến sát mốc 1.535 điểm. Nhà đầu tư sẵn sàng chốt lời hoặc rút khỏi thị trường khi có biến động nhỏ, do ký ức về các cú điều chỉnh mạnh trong quá khứ vẫn còn hiện hữu.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Không có gì sai với tâm lý phòng thủ, nhưng cũng không nên bỏ lỡ cơ hội ở giai đoạn hiện tại”. Bởi chỉ số VN30 đã vượt đỉnh, và dòng tiền vẫn đang luân chuyển tích cực, đặc biệt ở nhóm midcap và penny.

Ông Nguyễn Đức Nhân cho rằng thị trường đang ở đoạn cao trào cuối của một con sóng tăng – nơi rủi ro và cơ hội song hành. Dù khả năng đảo chiều đang cận kề, nhà đầu tư vẫn có thể tận dụng nốt “đoạn nước rút” này để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, cần sẵn sàng tâm thế phòng thủ và chốt lời kỷ luật, bởi sau đó thị trường có thể bước vào chu kỳ điều chỉnh 6–8 tuần – nền tảng cho một chu kỳ tăng bền vững hơn hướng đến năm 2026.

>> Cổ phiếu chứng khoán nửa cuối 2025: Nhóm mạnh về tự doanh tiếp tục ‘đá chính’?

VN-Index rung lắc gần đỉnh, tiền vào nhóm midcap, cổ phiếu VIX tăng trần

VIC, VHM được ‘giải cứu’, VN-Index vượt mốc 1.520 điểm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-nguyen-duc-nhan-ttck-vao-doan-cuoi-song-tang-vui-nhat-nhung-cung-rui-ro-nhat-297522.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ông Nguyễn Đức Nhân: TTCK vào đoạn cuối sóng tăng, vui nhất nhưng cũng rủi ro nhất
    POWERED BY ONECMS & INTECH