Chứng khoán

Chuyên gia Mirae Asset: Dư nợ margin chưa căng, chưa đáng lo

Quốc Trung 22/07/2025 12:09

Sau phiên điều chỉnh mạnh ngày 21/7 khi VN-Index mất hơn 12 điểm và hụt mốc 1.500, câu chuyện margin nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn luận, đem đến không ít sự lo lắng.

Chuyên gia Mirae Asset: Dư nợ margin chưa căng, chưa đáng lo
Hình minh họa

Margin tăng quý thứ 10, nhiều CTCK sắp chạm trần cho vay

Thống kê sơ bộ tính đến cuối quý II/2025, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại 30 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường – chiếm khoảng 95% thị phần – đã lên 284.000 tỷ đồng, tăng gần 23.000 tỷ chỉ sau 3 tháng. So với thời điểm cuối năm 2022, khi con số này chỉ là 109.126 tỷ đồng, dư nợ margin hiện tại đã gấp gần ba lần. Ước tính trên toàn ngành, tổng dư nợ thực tế có thể vượt mốc 300.000 tỷ đồng.

Động lực chính thúc đẩy đà tăng đến từ sự phục hồi mạnh của thị trường, khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm. Bên cạnh đó, chiến lược ưu đãi lãi suất margin của các công ty chứng khoán đã kích hoạt lại dòng tiền trên nhiều tài khoản cũ. Nhu cầu vốn đối ứng từ phía doanh nghiệp – đặc biệt trong bối cảnh khối ngoại gia tăng bán ròng – cũng góp phần khiến dư nợ margin tiếp tục lập đỉnh.

Trong số 30 công ty chứng khoán lớn nhất, có 18 đơn vị ghi nhận tăng trưởng dư nợ margin trong quý II, số còn lại đi ngang hoặc giảm, phần lớn thuộc nhóm công ty đang tái cấu trúc hoặc có vốn ngoại chi phối.

TCBS và SSI hiện dẫn đầu toàn thị trường với dư nợ lần lượt đạt 33.192 tỷ và 32.861 tỷ đồng. Đáng chú ý, SSI ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong quý với gần 6.000 tỷ đồng bổ sung vào tổng dư nợ. VPBankS bứt phá vượt lên vị trí thứ tư với quy mô 17.653 tỷ đồng, bám sát phía sau là Mirae Asset Việt Nam (17.465 tỷ đồng) và VPS (17.014 tỷ đồng). Một số đơn vị như VIX ghi nhận mức tăng nổi bật, từ 6.213 tỷ lên 9.277 tỷ đồng. Trong khi đó, ACBS gia nhập nhóm doanh nghiệp có dư nợ vượt 10.000 tỷ đồng, nâng tổng số công ty trong “CLB margin 10.000 tỷ” lên 11 đơn vị.

Mặc dù dư nợ margin tăng trưởng mạnh, không ít công ty chứng khoán đang tiến sát hoặc vượt mức giới hạn an toàn cho vay so với vốn chủ sở hữu. Cụ thể, HSC – công ty thuộc top 5 thị phần môi giới trên HoSE – ghi nhận dư nợ margin tại ngày 30/6 đạt 19.813 tỷ đồng, tương đương 1,95 lần vốn chủ sở hữu, duy trì tình trạng tiệm cận trần cho vay từ đầu năm đến nay. MBS – top 7 thị phần – có dư nợ đạt 12.796 tỷ đồng, gấp 1,74 lần vốn. Tương tự, Mirae Asset Việt Nam và KIS Việt Nam lần lượt có dư nợ margin tương ứng 18.233 tỷ và 11.037 tỷ đồng, bằng 1,85 lần và 1,86 lần vốn chủ sở hữu.

Đây đã là quý thứ 10 liên tiếp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng về hoạt động cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, sau phiên điều chỉnh mạnh ngày 21/7 – khi VN-Index mất hơn 12 điểm và hụt mốc 1.500 – những chuyển động margin nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn luận, đem đến không ít sự lo lắng.

>> CTCK 35.000 tỷ đồng sắp chạm trần cho vay margin, lỡ con sóng lớn của VN-Index

Margin tăng nhưng không rủi ro

Nhằm cung cấp thêm góc nhìn về câu chuyện margin cũng như động thái đầu tư lúc này, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Minh Giang – Trưởng phòng Quản lý tài sản tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS).

Chuyên gia Mirae Asset: Dư nợ margin chưa căng, chưa đáng lo
Ông Nguyễn Minh Giang - chuyên gia từ Mirae Asset Việt Nam

Dư nợ margin toàn thị trường vừa chạm mốc 300.000 tỷ đồng lần đầu tiên trong lịch sử. Ông thấy sao về con số này?

Ông Nguyễn Minh Giang: Đây là một cột mốc đáng chú ý. Tuy nhiên, khác với những lo ngại trước đây, tôi cho rằng dư nợ margin hiện nay không còn là yếu tố quá rủi ro, nếu xét trong bối cảnh tổng thể của thị trường.

Trước đây, tôi từng cảnh báo về dư nợ margin như một “tảng băng trôi” – có thể vô hại nếu không va chạm, nhưng sẽ rất rủi ro khi có sự cố. Đặc biệt vào quý III/2024, khi thanh khoản toàn thị trường yếu (nhiều phiên chỉ 6.000-7.000 tỷ đồng), doanh nghiệp khó vay vốn, nhiều khoản nợ xấu gia tăng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đứng trước nhiều áp lực đáo hạn, việc margin tăng cao là điều đáng lo ngại. Đây chính là sự cố.

Vậy điều gì đã khiến ông thay đổi quan điểm về trạng thái margin lúc này?

Ông Nguyễn Minh Giang: Thị trường hiện tại đã khác. Quy mô giao dịch mở rộng rõ rệt, nhiều công ty chứng khoán tăng vốn thành công. Dư nợ margin hiện nay chạy trước đà tăng trưởng của thị trường, nhất là khi nhóm VN30 dẫn dắt xu hướng, kéo VN-Index tăng hàng trăm điểm chỉ sau 3 tháng.

Ngoài ra, tôi không còn lo ngại về rủi ro hệ thống như trước, bởi Quốc hội đã thông qua việc luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Đây là điểm nghẽn quan trọng từng khiến margin trở nên nguy hiểm.

Đi sâu vào chất lượng, cơ cấu dư nợ margin hiện nay có gì khác biệt so với trước?

Ông Nguyễn Minh Giang: Trước đây, hơn 80% dư nợ margin tập trung vào doanh nghiệp lớn, ngân hàng và bất động sản – trong bối cảnh tín dụng khó tiếp cận. Còn nay, các công ty chứng khoán đang phân bổ margin linh hoạt hơn, bao gồm cả những thương vụ vừa và nhỏ, phù hợp với xu hướng “Bank Investment” trong ngành.

Nếu bỏ qua yếu tố về lượng (con số), theo ông, việc dư nợ margin tăng nhanh và liên tục có thực sự phản ánh rủi ro?

Ông Nguyễn Minh Giang: Tôi cho là không hẳn. Dư nợ margin tăng không còn đồng nghĩa với rủi ro. Trái lại, đây có thể là dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang được bơm trở lại thị trường, nhất là trong bối cảnh lãi suất ổn định, nâng hạng thị trường gần như chắc chắn từ phía FTSE, đồng thời chúng ta có điểm tựa khác từ Nghị quyết 68 về thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Với nỗi lo margin tăng cao và thị trường bắt đầu chịu áp lực tại vùng 1.500 điểm, ông có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Minh Giang: Nhà đầu tư cần làm quen với thực tế “dư nợ margin liên tục lập kỷ lục”. Rủi ro hệ thống đã được kiểm soát tốt, điều cần quan tâm lúc này là chọn đúng thời điểm và đúng nhóm cổ phiếu. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thực sự vào mạnh. Theo tôi, cuộc chơi vẫn còn dài.

>> KQKD nhóm chứng khoán quý II/2025: VIX tái lập kỳ tích, xuất hiện mức tăng 1.400%

VN-Index tăng 400 điểm, nhà đầu tư 'full tiền' suốt 3 tháng nên làm gì?

VN-Index đã chạy khỏe, Vietcap (VCI) vẫn đứng yên?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-mirae-asset-du-no-margin-chua-cang-chua-dang-lo-297169.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia Mirae Asset: Dư nợ margin chưa căng, chưa đáng lo
    POWERED BY ONECMS & INTECH