PGS.TS Trần Đình Thiên: ‘Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào 2050 gây sửng sốt cho toàn nhân loại’

22-11-2023 13:55|Khúc Văn

Về cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đó là cam kết "gây sửng sốt cho nhân loại bởi nhiều quốc gia trên thế giới cũng chỉ cam kết "như chúng ta".

Tăng trưởng theo hướng xanh hoá đang là xu hướng

Tại Hà Nội hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình", TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh, phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng theo hướng xanh hóa đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, trở thành một ưu tiên trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hiện, Việt Nam đang phục hồi hậuCovid-19, là cơ hội lớn để Chính phủ lựa chọn giữa lộ trình cũ hay lộ trình tăng trưởng xanh để giúp đối mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường. Chọn lựa xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh và bền vững.

Về cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam, ông Thiên cho rằng, đó là cam kết "gây sửng sốt cho nhân loại". “Bởi nhiều quốc gia trên thế giới cũng chỉ cam kết "như chúng ta", theo ông Thiên.

“Thậm chí, như Ấn Độ hay Trung Quốc còn cam kết Net Zero vào năm 2060 – 2070 – tức là lâu hơn so với Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết là vậy nhưng kế hoạch hành động, cách hành động của các quốc gia sẽ khác nhau”, ông Thiên nói.

Đánh giá cao cam kết của Việt Nam về Net Zero vào năm 2050, TS Trần Đình Thiên cho biết, để hiện thực hóa các cam kết này, Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung Chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, xây dựng "Lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn".

"Người đi đầu sẽ có gian khổ nhưng cũng là người có lợi đầu tiên. Thế giới đang triển khai rất nhiều chiến lược tăng trưởng xanh cấp quốc gia, cấp toàn cầu. Việt Nam có một cái hay - đó là không nước nào cam kết dữ dội như Việt Nam, cam kết với toàn thế giới mà toàn cam kết đỉnh cao. Vì cam kết lớn như vậy thì chúng ta có thể đương đầu với những thách thức lớn. Nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ…Theo đó, Việt Nam có thể đi sau về trước", ông Thiên nói thêm.

Cũng theo ông Thiên, trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ khu vực Nhà nước và tư nhân. Rất khó định lượng các khoản đầu tư cần thiết vì việc này đòi hỏi phải xác định và tính toán được chi phí của các biện pháp thích ứng không chỉ ở các ngành kinh tế khác nhau mà còn ở các khu vực địa lý cụ thể.

Với tổng giá trị tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với rủi ro biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính khoảng 300 tỷ USD, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản này với biến đổi khí hậu và giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD trong cả giai đoạn 2022-2050. Chi phí có thể phát sinh thêm từ nhu cầu nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như từ các khoản đầu tư mới cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính các chi phí đó hàng năm vào khoản 3-4% GDP trong giai đoạn 2021-2025.

Cần sự tham gia của Chính phủ

Ngoài ra, ông Thiên cũng nhấn mạnh, vốn là một phần nhưng cần sự tham gia từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp để phục vụ xanh. Đặc biệt là xã hội của chúng ta, làm thế nào để tất cả đều tham gia vào và hướng tới mục tiêu xanh.

"Thách thức phát thải 2050 rất ghê gớm, cam kết áp lực là chính thế nhưng phải làm thế nào. Làm sao biến thách thức thành cơ hội thì mới thành công", TS Thiên nhấn mạnh.

Liên quan đến nguồn cấp vốn cho các dự án xanh, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết ngành ngân hàng nói chung và HDBank nói riêng đều rất ủng hộ và tạo điều kiện về vốn cũng như triển khai nhiều chính sách ưu đãi cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm Xanh, thân thiện với môi trường. Còn đại diện SHB thì cho biết một số giải pháp mà ngân hàng này đang thực hiện nhằm góp phần đưa phát thải ròng về 0 như cải cách các quy định, quy trình, cơ chế cho đến "may đo" các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh,…

>>Vương quốc Anh khởi động Chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu Việt Nam đợt 2

Năm 2025 các hãng xe điện sẽ đồng loạt giảm giá và ra mắt mẫu mới? BYD của Trung Quốc đã đi trước một bước

USAID Việt Nam: Cam kết “xanh” của FPT sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam

Công bố thêm một nhà máy đạt trung hoà Carbon, Vinamilk tiến nhanh trên hành trình đến Net Zero

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pgsts-tran-dinh-thien-viet-nam-cam-ket-dat-net-zero-vao-2050-gay-sung-sot-cho-toan-nhan-loai-212020.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
PGS.TS Trần Đình Thiên: ‘Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào 2050 gây sửng sốt cho toàn nhân loại’
POWERED BY ONECMS & INTECH