Năm 2022, Chính phủ triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.
Ngày 5/1, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Theo đó, Chính phủ xác định chủ đề điều hành là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết có 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.
Nhóm nhiệm vụ này cũng nêu yêu cầu triển khai nhất quán từ trung ương đến địa phương quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sau dịch bệnh.
Đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước. Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, đội phản ứng nhanh, tổ hỗ trợ điều trị COVID-19, tổ COVID-19 cộng đồng.
GDP năm 2021 vừa được công bố tăng 2,58%. Tuy nhiên, so với dự báo trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng này thấp hơn gần 1%.
Cụ thể, Hồi tháng 10/2021, khi báo cáo lên Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 3 - 3,5%.
Thứ hai, xây dựng, hoàn hiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó tập trung thể chế hóa những định hướng chính sách trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phát triển đồng bộ, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, tiền tệ, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản…
Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục xây dựng và hoàn hiện thể chế hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển KTXH, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19…
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số…
Thứ tư, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông; dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đẩy nhanh và đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TPHCM…
Thứ năm, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học, hoàn thiện hình thức tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đưa học sinh trở lại trường gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 67-68%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 27-27,5%...
Thứ sáu, thúc đẩy liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Phấn đấu cơ bản hoàn thành phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Thứ bảy, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước; phát triển công nghiệp văn hóa…
Thứ tám, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai các giải pháp để hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)…
Thứ chín, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước…
Thứ mười, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Mười một, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Quán triệt, triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Mười hai, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Tập trung thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước; chú trọng tuyên truyền về khát vọng phát triển quốc gia, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; kịp thời đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái…