Phân khu cuối cùng trong KKT Dung Quất được 'tân trang' để trở thành vùng đất 'hái ra tiền' của tỉnh ven biển miền Trung
Sau khi được điều chỉnh quy hoạch, KCN phía Đông Dung Quất sẽ được gắn kết hài hòa với các khu chức năng khác trong Khu kinh tế Dung Quất, biến nơi đây thành điểm đến đầu tư hoàn hảo và là vùng đất 'hái ra tiền' cho địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong cuộc họp cho ý kiến về việc điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp (KCN) phía Đông Dung Quất mới đây, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các KCN tỉnh đã trình bày các nội dung có liên quan đến việc lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch KCN phía Đông Dung Quất.
Theo đó, đây là quy hoạch phân khu xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 thứ 9 và cũng là quy hoạch phân khu cuối cùng trong khu KKT Dung Quất mà BQL tổ chức lập, trình phê duyệt theo nhiệm vụ được giao.
Trước đó, Quy hoạch KCN phía Đông Dung Quất đã được phê duyệt với diện tích 5.784ha nhưng đến nay, quy hoạch này không còn phù hợp, do đó cần tổ chức lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch KCN phía Đông Dung quất sát với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
Dựa trên phân tích đánh giá, diện tích quy hoạch KCN hiện giảm xuống còn 3.700/5.784ha, đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát, tính toán và đưa ra giải pháp quy hoạch thông minh, hiện đại gắn kết KCN phía Đông Dung Quất hài hòa với các khu chức năng khác trong KKT Dung Quất.
>> Đoạn tuyến cao tốc gần 8.000 tỷ vắt qua Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế sắp được 'lên đời'
KCN phía Đông Dung Quất sẽ là KCN phát triển công nghiệp tổng hợp - dịch vụ (công nghiệp nặng, công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, đóng tàu biển, luyện cán thép, cơ khí, công nghiệp phụ trợ) gắn với cảng biển Dung Quất; đây cũng là nơi sẽ hình thành Trung tâm Lọc, hóa dầu và Năng lượng Quốc gia trong tương lai.
KCN đặt mục tiêu phát triển chủ yếu là khai thác các điều kiện vị trí, tự nhiên trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận cũng như cảng Dung Quất, gắn kết công nghiệp nặng cũng như năng lượng.
Về lộ trình định hướng phát triển lâu dài, việc quy hoạch KCN này sẽ được điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác hiệu quả đất đai, đảm bảo khoảng cách cách ly ăn toàn về môi trường cũng như đảm bảo về an ninh quốc phòng. Các giải pháp hoàn thiện về cơ sở hạ tầng gồm các loại hình giao thông, cấp nước hay bãi đỗ xe... cũng được đơn vị tư vấn đưa ra các giải pháp cụ thể...
Nhằm mục tiêu nâng tầm chất lượng Quy hoạch KCN phía Đông Dung Quất, nhiều ý kiến đã được đưa ra trong đó tập trung chủ yếu vào kết nối khai thác tiềm năng, lợi thế cảng biển, khai thác quỹ đất; cập nhật và tôn trọng các dự án hiện hữu đang hoạt động ổn định nhằm sắp xếp cho hợp lý và đồng bộ.
Ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định việc quy hoạch KCN phía Đông Dung Quất đóng vai trò quan trọng với nhiều dự án lớn có liên quan đến ngành công nghiệp trụ cột của tỉnh và quốc gia; Do đó, đơn vị tư vấn cần đưa ra giải pháp quy hoạch thông minh, tính toán di dời dân cho hợp lý với lộ trình cụ thể, bổ sung bãi đậu đỗ xe vào giải pháp hạ tầng kỹ thuật... đưa ra các giải pháp kiểm soát mật độ dự án công nghiệp, ô nhiễm môi trường phù hợp và lâu dài.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu BQL cũng như các đơn vị liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện đồ án quy hoạch để trình tỉnh xem xét và phê duyệt.
Việc quy hoạch điều chỉnh KCN phía Đông Dung Quất nằm trong lộ trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045.
Tính đến cuối năm 2023, KKT Dung Quất đã thu hút được 346 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD, trong đó có 253 dự án đã đi vào hoạt động và góp vào ngân sách hàng năm khoảng 1 tỷ USD.
Mục tiêu phát triển của KKT Dung Quất trong tương lai sẽ là phát triển đa ngành nghề, đa lĩnh vực trong đó mũi nhọn sẽ là các ngành lọc hóa dầu, thép, logistics...
Được xem là trọng điểm phát triển công nghiệp của vùng duyên hải miền Trung, KKT Dung Quất được "nâng cấp" sẽ trở thành điểm đến đầu tư hoàn hảo cho nhiều "ông lớn" và cũng sẽ là "mảnh đất vàng" đầy tiềm năng, biến nơi đây thành "con gà đẻ trứng vàng" của tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung.
Do đó, việc thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung KKT Dung Quất đến năm 2045 là cần thiết, giúp tháo gỡ kịp thời các nút thắt cũng như các tồn tại hạn chế của khu vực này trong thời gian vừa qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới.
Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển miền Trung, nơi đây được biết đến là vùng trọng điểm ngành công nghiệp khi có tốc độ phát triển mạnh mẽ kể từ khi Khu kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động từ năm 2005.
Đầu năm 2023, quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo như quy hoạch, KKT này sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển nhằm đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng trong tương lai.
>>'Chân trần, chí thép', 15.000 người chung tay đẩy dự án đường điện 500kV mạch 3 về đích 'thần tốc'