Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhu cầu mua sắm, đi chợ online của người dân tăng cao. Trong khi đó, số lượng nhân viên giao hàng (shipper) lại bị hạn chế di chuyển khiến phí giao hàng hiện tăng gấp đôi, gấp ba so với trước, nhưng thời gian giao hàng thường chậm trễ.
Không chỉ người mua mà nhiều chủ bán hàng online cũng “đau đầu” về việc phí ship tăng cao khiến khách hủy đơn liên tục. Chị Ngọc - chuyên kinh doanh bánh ngọt ở Cầu Giấy cho biết, những ngày này, có khách đặt hàng thì chị mới dám làm, bởi giá ship tăng chóng mặt.
“Mỗi ngày, trước khi đăng bài bán hàng, tôi phải thông báo giá ship rất cao để khách hàng lựa chọn mua hay không. Thực tế, người bán hàng cũng thấy xót ruột thay cho khách, mỗi đơn hàng đi gần cũng 50 nghìn, xa hơn hơn chút thậm chí lên đến 100 nghìn đồng phí ship. Phí ship cao nhưng giao hàng lại rất chậm, nhất là hàng ăn cần phải giao nhanh kẻo hỏng hết đồ của khách nên chỉ khi nào khách phản hồi đã nhận hàng thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, chị Ngọc cho hay.
Ngoài ra, chị Ngọc cho hay, cùng một điểm nhận nhưng giá cước giao hàng thay đổi liên tục. Có đơn hàng từ Cầu Giấy giao qua Phạm Hùng kèm chung đơn 2 khách (thường cộng thêm cước), giá cước mà shipper tính hôm trước là 90.000 đồng, nhưng hôm sau đã “nhảy lên” 135.000 đồng/đơn.
Tương tự, chị Thu Châu, chủ một cửa hàng hoa quả ở Hoàng Mai thông tin, gần một tuần nay, chị phải dừng nhập một số trái cây ở các tỉnh về Hà Nội do giá cước vận chuyển tăng cao. "Nếu như trước đây, giá cước cho một thùng hàng khoảng 40 kg từ Hoà Bình xuống Hà Nội là 50.000 đồng thì nay tôi phải trả 200.000 đồng cho lượng hàng tương tự. Chưa kể thời gian giao, nhận hàng cũng kéo dài thêm vài tiếng đồng hồ", chị Châu cho biết.
Trao đổi với VnBusiness, một nhà xe vận tải hàng hóa chuyên tuyến Hoà Bình- Hà Nội cho biết, nguyên nhân phí giao hàng tăng là do tài xế của hãng thường xuyên phải đi xét nghiệm Covid-19 nên nhà xe phải tăng giá cước để bù chi phí.
Hầu hết các đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng xác nhận, phí cước giao hàng trong thời gian giãn cách xã hội tăng cao do việc nhận, giao hàng của shipper khó khăn, tốn thời gian hơn. Trong khi đó, số lượng shipper được cấp phép hoạt động ít đi.