Xã hội

Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: ‘Coi thí sinh chiến thắng ở Đường lên đỉnh Olympia là tài năng đất nước là chưa phải’

Thùy Dung 10/09/2024 - 22:39

Ông cho rằng, nhiều người coi những chàng trai, cô gái chiến thắng ở chương trình Đường lên đỉnh Olympia là tài năng của đất nước thì chưa phải.

Thông minh nhưng chưa phải người tài

Liên quan đến sự việc học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) gần đây có những phát ngôn chưa chuẩn mực, TS Nguyễn Tùng Lâm -Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam chia sẻ với Báo Tiền Phong, chúng ta có thể thông cảm với những hành động bồng bột của lứa tuổi vị thành niên, nhưng các em cần phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn và hành vi của mình.

Đối với các nhà trường, đặc biệt là các trường chuyên, cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc giáo dục đạo đức và lối sống một cách hiệu quả thay vì chỉ tập trung vào các môn học hay các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) từng giành chiến thắng tại cuộc thi tuần 3, tháng 1, năm 2024. Ảnh: Internet

Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) từng giành chiến thắng tại cuộc thi tuần 3, tháng 1, năm 2024. Ảnh: Internet

TS Lâm cũng nhận định, chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" nhiều năm qua đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh các trường, cùng với sự ủng hộ của phụ huynh. Đây là một chương trình rất thành công và ‘ăn khách’ của VTV3.

Các em học sinh tham gia thi tuần, tháng, quý, hay chung kết đều mang về niềm tự hào không chỉ cho bản thân mà còn cho nhà trường và địa phương. Điều này tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ và việc khen thưởng cho những em đoạt giải là hoàn toàn xứng đáng.

Đặc biệt, những học sinh giành chiến thắng ở vòng chung kết năm còn được trao học bổng và cơ hội du học nước ngoài, điều này rất tốt. Tuy nhiên, TS Lâm lưu ý rằng nếu chỉ xem chương trình như một gameshow bình thường thì không có gì để bàn, nhưng hiện nay, nhiều người lại coi các thí sinh chiến thắng là những "tài năng của đất nước", điều này chưa hẳn chính xác.

"VTV3 chưa có tổng kết về số lượng học sinh đoạt giải đã trở thành những nhân tài đóng góp cho lĩnh vực nào và được vinh danh ra sao. Dựa trên các phần thi của chương trình, chúng tôi nhận thấy chương trình chỉ mới đánh giá được trí thông minh logic của học sinh, trong khi người tài không chỉ cần có IQ cao mà còn phải có cả chỉ số cảm xúc (EQ) và khả năng sáng tạo. Nếu VTV3 có thể phát triển chương trình để tuyển chọn và đào tạo người tài cho đất nước, thì đó sẽ là điều tuyệt vời. Để làm được điều này, có lẽ nhà đài cần hợp tác với các chuyên gia để thiết kế lại chương trình cho phù hợp hơn," TS Tùng Lâm chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, học sinh của Trường chuyên Nguyễn Tất Thành ở Yên Bái từng giành chiến thắng trong cuộc thi này, nhưng chúng ta nên coi em là một học sinh thông minh như bao học sinh giỏi khác, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay trách cứ lên vai em.

Thực tế giáo dục còn nặng tính rao giảng đạo lý

TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ rằng, hiện nay môn Giáo dục công dân đã được đưa vào giảng dạy từ lớp 1 ở bậc tiểu học. Ở các cấp học cao hơn, học sinh cũng được trang bị kiến thức về kinh tế, pháp luật. Ngoài ra, thông qua các môn học như Lịch sử, Giáo dục An ninh Quốc phòng, Giáo dục địa phương…, các em còn được giáo dục về lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Ông nhận định: "Có thể nói rằng, giáo dục trong nhà trường hiện nay chủ yếu tập trung vào việc truyền tải kiến thức, quá nặng về lý thuyết và giảng dạy đạo lý, nhưng lại chưa tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm thực tế để hiểu rõ cần làm gì và vì sao phải làm điều đó."

Mặc dù trong nhà trường có nhiều cuộc thi và hoạt động nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh, nhưng thử hỏi có bao nhiêu em thực sự hiểu và mong muốn làm theo? Thực tế, nhân cách và kỹ năng của học sinh cần được hình thành dần dần qua quá trình trải nghiệm và thực hành. Điều này đồng nghĩa với việc các em cần phải tham gia vào những tình huống thực tế và học cách hành xử, thay vì chỉ ngồi nghe thầy cô nói về những điều nên làm.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong

Từ thực tế giáo dục đạo đức học sinh khô cứng, rao giảng đạo lý đó, TS Lâm cho rằng, giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng học sinh cần gắn cả lý thuyết với thực tiễn.

Môn Giáo dục công dân, cũng như giáo dục chính trị và đạo đức, cần phải là những môn học mở, gắn kết với đời sống thực tế, gần gũi với học sinh. Việc giảng dạy không chỉ giúp các em hiểu biết về tình yêu thương, tôn trọng các mối quan hệ mà còn rèn luyện kỹ năng ứng xử trong những tình huống cụ thể. Từ những điều nhỏ nhặt, trẻ em sẽ dần hình thành thói quen và kỹ năng sống, qua đó, trở thành những con người biết quan tâm, không vô cảm trước cuộc sống xung quanh.

Giáo dục cảm xúc và kỹ năng xã hội cần được chú trọng ngay từ bậc mầm non đến các cấp học phổ thông, luôn gắn liền với môi trường gia đình và xã hội, nơi trẻ trưởng thành. Chương trình giáo dục này không chỉ tự nhiên nuôi dưỡng và hỗ trợ trẻ mà còn trang bị cho các em nhiều kỹ năng sống, giúp xây dựng những giá trị sống đẹp đẽ.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh: "Giáo dục đạo đức và tư tưởng cho học sinh cần giúp các em không chỉ hiểu đúng mà còn phải có khát khao thực hiện những điều đó. Điều quan trọng là phải giúp các em tìm ra cách biến những mong muốn đó thành hành động cụ thể trong cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở lời nói đúng và hay, mà còn phải biết cách hành động hiệu quả".

Nguồn tham khảo: Báo Tiền Phong

>> Nữ Quán quân duy nhất Olympia trong 13 năm: Mất nửa năm để thích nghi khi du học Úc, từng đạt điểm GPA tuyệt đối 4/0/4.0

'Thần đồng Google' duy nhất Việt Nam từng san bằng kỷ lục sau 16 năm của Olympia, giành vị trí Quán quân, là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của một tỉnh

Quán quân Olympia duy nhất không chọn đi du học Úc, ở Việt Nam học trường đắt đỏ bậc nhất, ‘rất hài lòng với cuộc sống học tập và làm việc hiện tại’

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/pho-chu-tich-hoi-khoa-hoc-tam-ly-giao-duc-viet-nam-coi-thi-sinh-chien-thang-o-duong-len-dinh-olympia-la-tai-nang-dat-nuoc-la-chua-phai-d132728.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: ‘Coi thí sinh chiến thắng ở Đường lên đỉnh Olympia là tài năng đất nước là chưa phải’
    POWERED BY ONECMS & INTECH