PVD chia cổ tức tiền mặt sau 10 năm, đẩy mạnh sắm giàn khoan đón sóng dự án 17 tỷ USD
Dù cần vốn để mở rộng sản xuất, ban lãnh đạo PV Drilling (PVD) vẫn đề xuất chia cổ tức tiền mặt nhằm hài hòa lợi ích với cổ đông.
![]() |
Tổng Giám đốc PV Drilling - ông Nguyễn Xuân Cường |
Sáng 23/4, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling – Mã: PVD) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại đại hội, PV Drilling trình kế hoạch doanh thu 7.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng – lần lượt giảm 25% và 24% so với năm 2024. Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho biết công ty vẫn tự tin hoàn thành kế hoạch nhờ hợp đồng thuê giàn ổn định và giàn PVD 8 sẽ chính thức vận hành từ tháng 9.
Chiến lược năm nay tiếp tục tập trung mở rộng thị trường quốc tế và duy trì hiện diện tại thị trường trong nước, dù các chương trình khoan trong nước chủ yếu là ngắn hạn, thiếu tính liên tục. Đáng chú ý, cuối năm 2024, PV Drilling ký thỏa thuận với Seadrill Prospero Ltd chuyển giao quyền sở hữu giàn khoan tự nâng ba chân rời – bước đi nhằm củng cố năng lực phục vụ khu vực Đông Nam Á.
Kế hoạch đầu tư năm 2025 dự kiến khoảng 2.292 tỷ đồng, bao gồm bổ sung một giàn khoan tự nâng đa năng và triển khai các dự án chuyển tiếp từ 2024. Đồng thời, công ty vẫn duy trì thuê ngoài 4–5 giàn khoan và kỳ vọng khai thác thêm 1–2 giàn từ đối tác trong nửa cuối năm.
Sau kết quả kinh doanh khả quan năm 2024, PV Drilling đề xuất chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% – lần đầu tiên trở lại hình thức chi trả này sau một thập kỷ.
Hiện PV Drilling có hơn 2.400 nhân sự và được kỳ vọng là một trong những đơn vị chủ lực tham gia dự án khí Lô B - Ô Môn. Đây là chuỗi dự án khai thác khí có tổng vốn đầu tư cho hợp phần thượng nguồn lên tới 17 tỷ USD, với vòng đời 23 năm và gần 1.000 giếng cần được khoan.
Trong giai đoạn đầu (2023 đến thời điểm có dòng khí đầu tiên), dự án cần khoan 5 giếng thẩm định và gần 80 giếng khai thác. Nếu đảm nhận 50% khối lượng, PVD có thể mang về khoảng 100 triệu USD doanh thu mỗi năm trong giai đoạn 2025-2026. Theo SSI Research, đây sẽ là nguồn công việc dài hạn quan trọng đối với PVD tại thị trường nội địa.
SSI cũng giả định PVD có thể điều chuyển hai giàn khoan tự nâng từ thị trường quốc tế về phục vụ dự án Lô B mà không cần đầu tư thêm. Tuy nhiên, ban lãnh đạo PV Drilling cho biết sẵn sàng đầu tư giàn khoan mới nếu ký được hợp đồng dài hạn với nhà điều hành dự án (PQPOC).
>> Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Cơ hội bứt phá cho PC1, PVS, PVD, GAS…