Bên cạnh các ý kiến trái chiều về quy định buộc giao dịch bất động sản qua sàn, nhiều đại biểu Quốc hội mới đây cũng tiếp tục cho ý kiến về quản lý hoạt động môi giới bất động sản.
Cụ thể, nêu quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản tại Điều 65, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên chỉ có giới hạn đối với một số môi giới tham gia hoạt động trên sàn, trong khi thực tiễn hàng loạt môi giới khác không tham gia sàn giao dịch mà hành nghề tự do. Đối tượng này lại được đông đảo người lựa chọn, thì theo Luật không cần có chứng chỉ.
Phải quy định chặt chẽ
Theo nữ đại biểu, vấn đề đặt ra, liệu cơ quan quản lý Nhà nước có kiểm soát được các đối tượng này hay không? Có gì bất cập không khi cùng là môi giới nhưng người cần có chứng chỉ, người lại không cần có chứng chỉ vẫn được hành nghề rộng rãi?
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng đặt vấn đề về những người tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh doanh bất động sản hoặc những ngành liên quan nếu muốn trở thành môi giới hoặc làm trên các sàn bất động sản thì có tiếp tục học khoá môi giới và tham gia thi lấy chứng chỉ không?
Vị nữ đại biểu đề nghị dự thảo Nghị định phải quy định rõ về điều kiện để các cơ sở đào tạo được phép đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, làm căn cứ cho Bộ Xây dựng khi xét duyệt và cấp phép.
Cũng phát biểu về vấn đề trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích, bất động sản là hàng hóa rất quen thuộc với tất cả mọi người. Thế nhưng, khi được đưa vào giao dịch trên thị trường thì nó lại là một hàng hóa rất đặc biệt.
Theo ông Cường, có rất ít người có thể trực tiếp tự đi mua nhà, khi không biết nó ở đâu, không biết thủ tục pháp lý ra sao, hồ sơ pháp lý như thế nào. Thực tế, thị trường bất động sản gồm có 3 bộ phận cấu thành: Người mua, người bán và người môi giới.
Ông Cường cho biết, ba yếu tố này không thể thiếu khi cần có một thị trường hoàn chỉnh. Dù không có quy định về môi giới bất động sản thì trên thực tế người dân khi đi giao dịch bất động sản vẫn cứ tìm đến một người trung gian.
Đại biểu Cường lấy ví dụ ở những nước có thị trường hoàn chỉnh, môi giới được quy định là một nghề chuyên nghiệp, quy định rất khắt khe về trách nhiệm. Khi hàng hoá bất động sản được giao dịch, người môi giới phải kiểm tra, đảm bảo tính pháp lý; nếu rủi ro pháp lý thì người môi giới phải chịu trách nhiệm.
Không những vậy, họ còn phải kiểm tra về giá cả thị trường, nếu có tình trạng khai gian giá thì sàn giao dịch phải phát hiện, văn phòng công chứng chỉ có chức năng kiểm tra giấy tờ có hợp pháp không.
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, muốn cho thị trường không xảy ra tình trạng nhiễu loạn, lừa đảo thì Luật Kinh doanh bất động sản phải quy định rất chặt chẽ về môi giới. Khi hoạt động môi giới thông qua sàn giao dịch thì sàn phải chuyên nghiệp, có khả năng trợ giúp cho người mua, người bán; có khả năng là cánh tay nối dài của Nhà nước để nắm thông tin thị trường.
Cần một quy chuẩn chung
Trên thực tế, khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã quy định về điều kiện của cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản: “Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, trong thời gian qua tình trạng các môi giới hoạt động độc lập nhưng không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường bất động sản.
Trong khi đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra rằng quản lý hoạt động của môi giới bất động sản được đánh giá là còn nhiều bất cập, kẽ hở.
Có đến 90% không có kiến thức căn bản của người làm môi giới. Ước tính hiện chỉ 10% số môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam chỉ rõ vì chưa chuyên nghiệp, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực như có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng loạn thị trường, nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài các quy định xử phạt, cần một nền tảng, một quy chuẩn chung của toàn thị trường để nhân sự gia nhập vào lĩnh vực tư vấn bất động sản có thể đạt được những tiêu chí cơ bản đó; đồng thời thể hiện được chất lượng nhân lực xứng tầm với giá trị của sản phẩm bất động sản.
Bên cạnh đó, những quy chuẩn, quy tắc trên sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề tiêu cực, đồng thời tránh trường hợp người tư vấn nhận thức được những điều không đúng, không tốt cho khách hàng nhưng vẫn bỏ qua vì lợi ích trong bán hàng.