Quốc gia châu Á nói ‘không' với tiền mặt, tham vọng trở thành siêu cường thế giới nhờ một ứng dụng

02-05-2024 11:14|Quỳnh Vân

Từ cửa hàng sari đến các quán ăn đường phố, thanh toán điện tử đã lan rộng khắp Ấn Độ.

Đám cưới của người Ấn Độ nổi tiếng là phức tạp, đòi hỏi phải thay đổi trang phục nhiều lần trong nhiều ngày. Trước đây, việc một gia đình đến cửa hàng sari (một loại trang phục truyền thống Ấn Độ) của ông Brij Kishore Agarwal ở Old Delhi rồi ra về với một gói lớn quần áo và để lại một đống tiền mặt là điều bình thường.

Những lo ngại về việc có kẻ đột nhập và lấy trộm tiền trước khi ông kịp đem gửi vào ngân hàng đã khiến người chủ cửa hàng 79 tuổi này thức trắng đêm.

Giờ đây, Agarwal có thể yên giấc hơn vì hầu hết khách hàng của ông đều sử dụng thanh toán điện tử để hoàn tất giao dịch mua hàng.

Ông Agarwal đã làm việc ở cửa hàng này khoảng 65 năm và cho biết: “Tôi thấy đất nước này đã thay đổi. Chúng tôi rất hiếm khi nhận được thanh toán bằng tiền mặt”.

Quốc gia châu Á nói ‘không' với tiền mặt, tham vọng trở thành siêu cường thế giới nhờ một ứng dụng
Cửa hàng sari của ông Brij Kishore Agarwal ở Old Delhi, Ấn Độ. Ảnh: CNN

Xã hội không sử dụng tiền mặt

Thanh toán kỹ thuật số, được thực hiện thông qua các hệ thống như Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI), cho phép người dùng chuyển tiền ngay lập tức bằng cách quét mã QR, đã trở nên phổ biến trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày.

Ở Delhi, những người bán trà thu tiền thông qua các ứng dụng di động trong khi người mua thanh toán bằng điện thoại của họ.

Theo CNN, cuộc cách mạng thanh toán điện tử cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực trở thành siêu cường kinh tế của Ấn Độ. Đây là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và Thủ tướng Narendra Modi, người hiện đang tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, tuyên bố ông muốn Ấn Độ được coi là quốc gia phát triển vào năm 2047.

Giáo sư kinh tế Eswar Prasad của Đại học Cornell nhận định: “Thanh toán kỹ thuật số có khả năng thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ bằng cách loại bỏ xung đột, tăng hiệu quả và giảm chi phí”.

Ông nói thêm: “UPI và quá trình số hóa rộng rãi hơn của nền kinh tế còn giúp phát huy tính toàn diện của sự tăng trưởng này”.

Kỷ nguyên kỹ thuật số của Ấn Độ

Nỗ lực số hóa xã hội của Ấn Độ đã bắt đầu khoảng 15 năm trước, nhưng thanh toán điện tử lúc đó chưa bắt kịp xu hướng. Năm 2016, 96% giao dịch ở Ấn Độ vẫn được thực hiện bằng tiền giấy.

Nhưng 2 sự kiện trong năm đó đã thay đổi mọi thứ. Đầu tiên là việc tập đoàn thanh toán quốc gia phi lợi nhuận Ấn Độ (NPCI) đã cho ra mắt cơ sở thanh toán UPI.

Quốc gia châu Á nói ‘không' với tiền mặt, tham vọng trở thành siêu cường thế giới nhờ một ứng dụng
Mã QR in trên mái che một cửa hàng khăn tắm tại chợ Sarojini Nagar ở Delhi. Ảnh: CNN

UPI cho phép người dùng sử dụng điện thoại của họ làm thẻ ghi nợ ảo, chuyển tiền từ gần 600 ngân hàng thành viên và công ty fintech ngay lập tức mà không cần nhập chi tiết ngân hàng hoặc trả phí giao dịch.

Cuối năm đó, Chính phủ Ấn Độ bất ngờ loại bỏ 2 tờ tiền lớn chiếm 86% tổng lượng tiền đang lưu hành, với mục tiêu chống tham nhũng. Điều này đã thúc đẩy sự gia tăng trong việc sử dụng thanh toán điện tử.

Thêm vào đó, Covid-19 cũng góp phần thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng các giao dịch kỹ thuật số khi mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau.

Giờ đây, người Ấn Độ sử dụng UPI để trả tiền cho tất cả mọi thứ, từ mua rau đến khám bệnh. Theo Chính phủ, nhiều giao dịch kỹ thuật số được hoàn thành ở Ấn Độ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Vào năm 2023, số lượng giao dịch UPI đạt kỷ lục 100 tỷ lượt.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp vẫn trung thành với tiền mặt. Azeez, một người lái xe kéo 34 tuổi ở Old Delhi, nói rằng anh quá sợ mất tiền nên không thể sử dụng thanh toán điện tử.

Anh chia sẻ: “Tôi là người thất học và nghèo khó, tôi chưa bao giờ đến trường, tôi không thể đọc hay viết. Nếu tôi nhầm lẫn thì sao?”.

Dù vậy, xu hướng không dùng tiền mặt dự kiến sẽ tiếp tục. UPI đang hướng tới 2 tỷ giao dịch mỗi ngày vào năm 2030.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ

Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong khi số hóa “đóng một vai trò quan trọng trong quỹ đạo kinh tế rất thành công mà Ấn Độ hướng tới”, Prasad - tác giả cuốn sách “Tương lai của tiền tệ: Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang chuyển đổi tài chính và tiền tệ như thế nào” - cho hay.

Mặc dù rất khó để đánh giá tác động của việc áp dụng UPI đối với GDP của Ấn Độ, nhưng ở cấp độ vi mô, các nhà phân tích cho rằng có thể dễ dàng nhận thấy nó đang tạo ra sự khác biệt như thế nào.

Ông chủ cửa hàng sari Agarwal tiết lộ, điều này đã nâng cao hiệu quả và tính minh bạch cho hoạt động kinh doanh của ông, đồng thời khiến việc nộp thuế trở nên đơn giản hơn.

Kapil Sharma (42 tuổi), một người bán hoa cúng chia sẻ rằng anh từng kinh doanh thua lỗ vì nhiều khách hàng không muốn mất thời gian chờ lấy lại tiền lẻ. Khi bắt đầu sử dụng UPI khoảng 1 năm trước, anh nhận thấy doanh số bán hàng dần tăng lên.

Quốc gia châu Á nói ‘không' với tiền mặt, tham vọng trở thành siêu cường thế giới nhờ một ứng dụng
Người bán hoa Kapil Sharma cung cấp mã QR cho khách hàng. Ảnh: CNN

Mặc dù bất bình đẳng vẫn là một vấn đề, Prasad nhận thấy số hóa đã “khiến cho công dân Ấn Độ, bao gồm cả những người không giàu có, cảm thấy họ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ”.

Hiện NPCI đang tập trung vào việc mở rộng ra nước ngoài để giúp công dân làm việc tại nước khác gửi tiền về nước dễ dàng hơn hoặc cho phép khách du lịch Ấn Độ thanh toán bằng UPI.

Prasad bình luận: “Tôi nghĩ Chính phủ coi UPI là khuôn mẫu cho phần còn lại của thế giới. Theo tôi, nó chắc chắn sẽ giúp nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế”.

>> Quốc gia châu Á tham vọng tăng trưởng 8% trong suốt hàng chục năm, GDP tăng gấp 6 lần

Elon Musk bất ngờ hoãn chuyến thăm, quốc gia châu Á vẫn khẳng định 'chắc nịch' kế hoạch hợp tác xây nhà máy 2 tỷ USD với Tesla

Vượt Trung Quốc, quốc gia châu Á bất ngờ là điểm nóng bất động sản, hàng loạt dự án cao cấp bán hết chỉ sau vài ngày

Quốc gia châu Á là ‘Thánh địa’ cho giới đầu tư, Warren Buffett lãi 8 tỷ USD chỉ từ 5 cổ phiếu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-chau-a-noi-khong-voi-tien-mat-tham-vong-tro-thanh-sieu-cuong-the-gioi-nho-mot-ung-dung-233117.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quốc gia châu Á nói ‘không' với tiền mặt, tham vọng trở thành siêu cường thế giới nhờ một ứng dụng
POWERED BY ONECMS & INTECH