Quốc gia có diện tích gấp 10 lần Việt Nam phóng cặp vệ tinh thử nghiệm ghép nối trên không gian
Cuộc thử nghiệm này giúp quốc gia đông dân nhất hành tinh tiến gần hơn tới vị thế trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu công nghệ ghép nối không gian.
Tên lửa mang theo cặp vệ tinh đã rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, Sriharikota vào khoảng 22h ngày 30/12 theo giờ địa phương (23h30 giờ Hà Nội). Nhiệm vụ SpaDeX đánh dấu một bước ngoặt trong tham vọng vũ trụ của Ấn Độ với mục tiêu lần đầu tiên thử nghiệm công nghệ ghép nối trong không gian – một cột mốc quan trọng để hiện thực hóa kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ và đưa con người lên Mặt Trăng.
"Tôi vui mừng thông báo về thành công của việc phóng tên lửa Phương tiện Phóng Vệ tinh Cực (PSLV) 60 cho nhiệm vụ SpaDeX. Tên lửa đã đưa các vệ tinh vào đúng quỹ đạo", ông S. Somanath, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), phát biểu ngay sau vụ phóng. Ông cũng tiết lộ rằng, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, nỗ lực ghép nối đầu tiên có thể được thực hiện vào ngày 7/1 tới.
Tên lửa PSLV 60 phóng hai vệ tinh của nhiệm vụ SpaDeX vào quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, Ấn Độ, ngày 30/12. Ảnh: ISRO
Nhiệm vụ SpaDeX bao gồm hai vệ tinh, Target và Chaser, với mục tiêu thử nghiệm công nghệ ghép nối tự động trên quỹ đạo. Tuy nhiên, ISRO hy vọng các vệ tinh này sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.
Ngoài ra, nhiệm vụ còn mang theo 24 bộ thí nghiệm, trong đó có một cánh tay robot nhỏ được gắn trên tầng 4 của tên lửa PSLV 60, tách biệt với cặp vệ tinh. Sau khi ghép nối, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm cánh tay robot cùng nhiều thiết bị khác, đồng thời kiểm tra khả năng điều khiển vệ tinh kép và truyền năng lượng giữa chúng.
Quá trình ghép nối dự kiến diễn ra trên quỹ đạo Trái Đất thấp ở độ cao 470 km, khi Target và Chaser tiếp cận nhau từ khoảng cách 20 km. Chaser sẽ chủ động di chuyển để thực hiện công đoạn ghép nối cuối cùng.
"Sau khi ghép nối và cố định thành công, quá trình truyền năng lượng giữa hai vệ tinh sẽ được thực hiện, trước khi chúng tách ra để vận hành các thiết bị mang theo. Thời gian thực hiện nhiệm vụ dự kiến kéo dài hai năm", ISRO cho biết.
Với SpaDeX, Ấn Độ đang tiến gần hơn tới vị thế quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu công nghệ ghép nối không gian, sau Nga, Mỹ và Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới này, dù sở hữu ngân sách hàng không vũ trụ tương đối khiêm tốn, vẫn đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc mà trước đây chỉ các cường quốc không gian mới đạt được. Một ví dụ điển hình là vào tháng 8/2023, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, sau Nga, Mỹ và Trung Quốc.
Tháng 4/2023, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,428 tỷ người. Diện tích của Ấn Độ là 3.287.263km2, rộng gấp gần 10 lần Việt Nam (331.212km2).