Hàng trăm cây chè 'tiến vua' cao trên 9m, tán rộng 5-7m, thân cây một người ôm mọc, tự nhiên ở xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Từ bìa rừng An Toàn đi vào khoảnh 11a, Tiểu khu 37, xã An Toàn, huyện An Lão chừng 200m, một cây chè cổ thụ (người dân địa phương quen gọi là chè "tiến vua") có đường kính 44cm, cao hơn 13m, tán rộng 7m mọc sừng sững. Cây chè này vừa được Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn (Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định) bấm tọa độ, đánh số 242 để bảo vệ.
Theo Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, đây là cây chè cổ thụ lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện ở cánh rừng này.
Ngoài cây chè cổ thụ 242, trên diện tích 2.059 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch sản xuất, Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn đã điều tra, xác định có 493 cây chè có đường kính gốc nhỏ nhất là 10cm, chiều cao từ 3,5m đến hơn 9m, tán 0,4-7m. Trong số đó, có đến 366 cây có đường kính trên 15cm, chiều cao trên 9m, tán rộng từ 5-7m...
Anh Võ Thanh Long, nhân viên Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, cho biết, trong quá trình điều tra, khảo sát, mọi người khá bất ngờ khi phát hiện nhiều cây chè to như vậy.
“Các cây này có tuổi đời hàng trăm năm, hoàn toàn mọc tự nhiên. Chè cổ thụ tập trung ở nhiều vùng, mật độ cũng tương đối dày, đang mùa mưa nên chủ yếu lá già, cành xum xuê, tán rộng”, anh Long chia sẻ.
Ngay cả nhân viên của Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn và những người tham gia khảo sát, tìm kiếm những cây chè cổ thụ trong rừng tự nhiên này cũng không biết chính xác nguồn gốc và thời gian hình thành của cây. Người dân địa phương cũng chỉ nghe cha ông kể lại, từ khi có mặt ở vùng đất này thì những cây chè đã có rồi.
Để bảo vệ những cây chè cổ thụ ở khu rừng, Ban quản lý đã điều tra, thống kê, tiến hành bấm số, gắn tọa độ mỗi cây để đưa vào bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không chặt phá, xâm hại cây và thường xuyên tuần tra, bảo vệ để giữ cây.
Xây dựng thương hiệu chè đặc sản “tiến vua”
Để phát triển tiềm năng của vùng chè, UBND huyện An Lão đã xây dựng đề án khôi phục và phát triển rừng chè; từng bước xây dựng thương hiệu chè đặc sản “tiến vua”. Từ đó, phát triển chè “tiến vua” An Toàn theo hướng sản phẩm đặc trưng địa phương, làm quà tặng chất lượng cao phục vụ du lịch.
Ông Đỗ Tùng Lâm, quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết, đây là một nguồn tài nguyên thiên nhiên rất quý cần bảo tồn. UBND huyện An Lão đang cùng các ngành chức năng tiến hành nghiên cứu để đưa ra sản phẩm.
“Các cây chè đang trong quá trình bảo tồn, bảo vệ nên không ai được chặt phá cũng như thu hái. Sau khi nghiên cứu đưa ra sản phẩm, chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu tương đồng với độ tuổi của cây.
Kiểm đếm xong, chúng tôi sẽ giao cho từng hộ quản lý theo số lượng cây, chăm sóc, thu hái cung ứng sản phẩm cho một đơn vị sản xuất. Có như vậy mới bảo đảm được tính bền vững, gắn kết bà con nông dân sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông Lâm nói.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Tài chính và UBND huyện An Lão đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển sản phẩm chè "tiến vua" tại xã An Toàn, huyện An Lão. Huyện sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án, tổ chức sản xuất thử nghiệm sản phẩm chè “tiến vua” xã An Toàn trong năm 2023.
Sở NN-PTNT tỉnh chủ trì, tổ chức kiểm tra, đánh giá phân bố, số lượng cây chè “tiến vua” tại rừng An Toàn để UBND huyện An Lão làm cơ sở lập Đề án phát triển sản phẩm chè “tiến vua” gắn với phát triển văn hoá du lịch trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, thông tin, từ những cây chè "tiến vua" cổ thụ, tỉnh hướng đến xây dựng sản phẩm đặc trưng kết hợp phát triển du lịch.
Diễm Phúc