Theo thống kê của trang tin Light Reading, tính riêng năm 2022, 20 hãng viễn thông hàng đầu thế giới đã sa thải 20% nhân sự.
Ngành Viễn thông thế giới đã trải qua nhiều đợt sa thải quy mô lớn do doanh thu sụt giảm và sự xuất hiện của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, không ít nhà mạng đang tìm cách đổi mới mô hình, tìm kiếm nguồn thu mới và sử dụng AI để hỗ trợ nhân viên. VietNamNet giới thiệu tuyến bài sa thải viễn thông để độc giả có cái nhìn toàn diện.
Từ năm 2015, những hãng viễn thông lớn nhất Bắc Mỹ và Tây Âu bắt đầu tiến hành sa thải nhân sự. Xu hướng được duy trì cho đến năm 2022 khi 20 nhà mạng cấp một cho gần 85.000 người thôi việc.
Tính từ năm 2015 đến nay, tổng cộng khoảng 384.000 nhân sự viễn thông - chiếm hơn 1/5 lực lượng lao động - đã mất việc làm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động này: Bảo vệ biên lợi nhuận, trả nợ, loại bỏ các tài sản không cốt lõi hay hoạt động kém trong bối cảnh doanh số chật vật.
Trong số các doanh nghiệp này, doanh thu sụt giảm từ 761 tỷ USD năm 2015 xuống dưới 725 tỷ USD năm 2022.
Ngành viễn thông đang trải qua thời gian khó khăn do lãi suất tăng và cạnh tranh ngày một khốc liệt. Bên cạnh đó, đây cũng là xu hướng của thị trường công nghệ nói chung.
Hồi tháng 7, Crown Castle – nhà cung cấp hạ tầng viễn thông của Mỹ thông báo tiến hành kế hoạch tái cấu trúc nhằm giảm chi phí để điều chỉnh tốt hơn nhu cầu hoạt động, trong đó cắt giảm nhân sự khoảng 15%. Doanh thu từ dịch vụ của Crown Castle trong năm 2023 dự kiến giảm 90 triệu USD.
Đây không phải công ty viễn thông duy nhất tinh giản lực lượng lao động. Giám đốc Tài chính Verizon Tony Skiadas từng phát biểu trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh hồi tháng 7 rằng đã tiến hành nhiều hoạt động để hợp lý hóa nhân sự.
Việc sa thải nằm trong chương trình tiết kiệm chi phí mà Verizon triển khai từ năm 2022, dựa trên chương trình kéo dài 4 năm đã hoàn tất vào năm 2021. Tháng 1/2022, công ty thông báo sẽ sa thải 10.400 người.
Một nhà mạng Mỹ khác, AT&T, hy vọng tiết kiệm 6 tỷ USD cho ngân sách vào cuối năm nay thông qua chương trình khởi xướng từ năm 2020.
AT&T tuyển dụng 172.900 nhân viên trong năm 2021 và đến cuối năm 2022 còn 162.900 người. Trong cùng kỳ, nhân sự Verizon giảm từ 118.400 xuống 117.100 người.
Cisco, một công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, cho biết đợt sa thải gần đây ảnh hưởng đến 5% nhân sự. Người phát ngôn Cisco nhấn mạnh điều này không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí mà để ưu tiên đầu tư trong quá trình chuyển đổi, đáp ứng và vượt kỳ vọng khách hàng.
Ericsson, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển, thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự trong năm 2023. Theo đó, 8.500 người sẽ mất việc trên toàn cầu.
Jenny Hedelin, người phát ngôn của Ericsson, cho biết “nhận thấy tiềm năng từ việc đơn giản hóa và hiệu quả hơn trên toàn công ty, đặc biệt khi xét đến chi phí cấu trúc”. Việc sa thải dường như tập trung vào bộ phận R&D, bán hàng và tiếp thị.
Trong khi đó, nhà mạng Vodafone sẽ cắt giảm 11.000 nhân sự, tương ứng 11% lực lượng lao động. Theo Vodafone, đây là điều cần thiết để “đơn giản hóa” kinh doanh và cạnh tranh hơn.
Tờ Financial Times đưa tin, hãng viễn thông còn cân nhắc bán bộ phận tháp phát sóng để thu về tối đa 5 tỷ bảng Anh; giúp Vodafone tập trung vào mảng di động và điện thoại cố định.
Nhà mạng Anh BT dự kiến giảm quy mô nhân sự, bao gồm cả nhân sự hợp đồng, tối đa 55.000 người, vào cuối thập kỷ này.
Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu mà BT công bố ngày 18/5. Cũng như các công ty cùng ngành khác, BT xem đây là điều cần thiết để “đơn giản hóa kinh doanh và cạnh tranh hơn”.
Theo hãng tin Reuters, những năm gần đây BT đối mặt hàng loạt thách thức khi phải vật lộn để cạnh tranh với các đối thủ như Virgin Media, Sky.
BT còn bị ảnh hưởng do thay đổi trong quy định quản lý và dịch vụ điện thoại cố định truyền thống sụt giảm. Kết quả kinh doanh thường niên năm 2022 của hãng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 12%, xuống 1,7 tỷ bảng.
BT hiện tuyển dụng hơn 130.000 người trên khắp thế giới và muốn giảm còn 75.000 đến 90.000 vào năm 2030.
Dựa theo xu hướng những năm gần đây, ngành viễn thông dường như sẽ còn tuyển dụng ít hơn nữa, đặc biệt khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển và có tiềm năng thay thế con người trong những vị trí nhất định.
CEO BT - Philip Jansen cho biết tập đoàn sẽ dựa vào ít nhân sự hơn và giảm đáng kể chi phí. Ông hi vọng AI sẽ thay thế tối đa 10.000 vị trí.
“Với một công ty như BT, có cơ hội khổng lồ sử dụng AI để trở nên hiệu quả hơn… Tôi tin rằng AI tạo sinh là bước nhảy vọt lớn, chúng tôi phải thận trọng nhưng đó là thay đổi thực sự quan trọng”, ông nói.
Trong bình luận tương tự, CEO Vodafone - Margherita Della Valle thừa nhận nhà mạng chưa hoạt động hiệu quả. “Vodafone phải thay đổi. Ưu tiên của tôi là khách hàng, sự đơn giản và tăng trưởng. Chúng tôi sẽ đơn giản hóa tổ chức, cắt giảm phức tạp để lấy lại khả năng cạnh tranh”.
(Tổng hợp)
Bài 2: Trí tuệ nhân tạo là 'tội đồ' khiến nhân viên nhà mạng bị sa thải hàng loạt?