Sau 65 tuổi, huyết áp tiêu chuẩn là bao nhiêu: Cách tự kiểm tra xem huyết áp mình có đạt chuẩn hay không
Chỉ số huyết áp của người cao tuổi là thứ phản ánh rất nhiều vấn đề về sức khỏe mà ai cũng nên biết.
Huyết áp chính là áp lực do dòng máu tạo ra tác động lên thành động mạch trong quá trình nó di chuyển, tuần hoàn. Huyết áp sẽ do sức cản trở thành mạch và lực co bóp của tim chi phối.
Để duy trì sự ổn định của huyết áp thì cần có sự tham gia của các bộ phận như xoang cảnh và tiểu thể cảnh của động mạch cảnh. Tuy nhiên khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, 2 bộ phận cảm thụ và giúp điều hòa huyết áp này sẽ trở nên ít nhạy cảm hơn. Đó là lý do vì sao người lớn tuổi thường bị hạ huyết áp đột ngột khi thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang tư thế đứng. Những lúc như vậy lưu lượng máu bị sụt giảm tạm thời khiến người bệnh thường có triệu chứng là hoa mắt, chóng mặt, choáng váng. Đối với những trường hợp hồi phục chậm lượng máu tới não có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Tuổi càng cao thì các mô liên kết trong thành mạch máu cũng lão hóa theo, khiến cho thành động mạch trở nên cứng và dày hơn, giảm đi tính đàn hồi. Điều này làm tăng huyết áp ở người lớn tuổi và tim phải hoạt động gắng sức hơn để bơm máu. Lâu ngày tình trạng này gây ra hiện tượng dày sợi cơ tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim. Thành của các mao mạch máu dày lên còn làm chậm lại quá trình trao đổi máu, oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể.
Đối với những người lớn tuổi khỏe mạnh, huyết áp cũng có thể tăng hơn một chút so với hồi trẻ nhưng vẫn nằm trong khoảng giới hạn cho phép, cụ thể huyết áp tâm trương ở người già sẽ tăng 8,6 mmHg, huyết áp tâm thu tăng thêm khoảng 29 mmHg. Nếu huyết áp tâm trương nằm ngoài 95 mmHg và huyết áp tâm thu vượt mức 160 mmHg thì được cho là huyết áp cao cần can thiệp ngay từ sớm.
Cách đơn giản tự kiểm tra xem mình có đạt không?
Kiểm tra huyết áp tại nhà có thể được tiến hành chỉ với vài dụng cụ đơn giản như sau:
Đo huyết áp thủ công
Với cách đo huyết áp tại nhà này, bạn không cần sự trợ giúp của bất kỳ thiết bị điện tử chuyên dụng nào. Tuy nhiên, bạn sẽ cần chuẩn bị một số vật dụng y tế, bao gồm: Ống nghe, băng quấn đo huyết áp cùng một quả bóng hơi có thể co giãn và đồng hồ đo.
Để tiến hành cách đo huyết áp không cần máy, bạn sẽ thực hiện các bước như sau: Ngồi thư giãn và thả lỏng cánh tay trên bàn, cố định băng quấn trên bắp tay, đặt loa ống nghe vào dưới lớp băng quấn, ngay vị trí mạch cánh tay, liên tục bóp bóng hơi để tăng áp lực. Khi bạn không còn nghe tiếng mạch đập nữa, hãy bóp thêm cho tới khi thông số ở đồng hồ đo nhích thêm 30mmHg rồi từ từ xả hơi khỏi băng quấn và lắng nghe tiếng mạch đập và chú ý đến kim chỉ số trên mặt đồng hồ đo. Cụ thể, thông số hiển thị ở nhịp đầu tiên là huyết áp tâm thu, nhịp cuối cùng là huyết áp tâm trương.
Kiểm tra huyết áp bằng máy đo
Cách kiểm tra huyết áp tại nhà đơn giản và chính xác nhất là sử dụng máy đo tự động cùng với băng quấn. Máy đo huyết áp có nhiều loại khác nhau, nhưng chúng đều là một loại thiết bị đo, thường có một băng quấn ở cánh tay được đính kèm. Một số máy đo huyết áp có băng quấn ở bắp tay, không phải ở cổ tay hoặc ngón tay.
Mỗi thiết bị có một cách thực hiện khác nhau và bạn cần thực hành đúng thao tác để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Nếu bảng hướng dẫn đi kèm quá khó hiểu, bạn có thể hỏi trực tiếp người bán hoặc tìm đến bác sĩ để được hướng dẫn đo một cách chính xác.
Kiểm tra huyết áp cao bằng ứng dụng thông minh
Ngày nay, với thời đại công nghệ 4.0, bạn còn có thể tự đo huyết áp tại nhà bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị đeo tay. Tuy nhiên, cách tự đo huyết áp này thường cho kết quả không chính xác. Do đó, đây không phải là biện pháp đáng tin cậy để hỗ trợ theo dõi chỉ số huyết áp của một người.
Tuy nhiên, các ứng dụng này có khả năng dễ dàng ghi và lưu lại kết quả sau mỗi lần đo. Điều này thuận tiện cho những người thường xuyên kiểm tra huyết áp cao. Danh sách kết quả có thể giúp bác sĩ nhanh chóng xác định tình trạng huyết áp và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Lưu ý: nếu chỉ số huyết áp tâm thu trên 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 120mmHg, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức để được chăm sóc y tế khẩn cấp vì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng tăng huyết áp ác tính.