Lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh trong tháng 6, mặt bằng lãi suất về dưới 8%/năm.
Từ đầu tháng 6, theo khảo sát, hơn chục ngân hàng tư nhân tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất, nối dài đà giảm trong vài tháng gần đây.
Lãi suất tiết kiệm bình quân tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1,5% điểm % so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành (25/5). Còn nếu so với cuối năm ngoái, lãi suất huy động tại các nhà băng đã được điều chỉnh giảm 2-2,5 điểm %.
Trong tuần 01-08/06, lãi suất huy động tiếp tục giảm ở các ngân hàng VPB, NAB, TPB và OCB.
Cụ thể, VPB điều chỉnh lãi suất 6-9 tháng giảm 0,2%/năm và lãi suất từ 18 tháng trở lên giảm 0,3%/năm; NAB giảm 0,2%/năm ở kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,5%/năm ở kỳ hạn từ 18 tháng trở lên; TPB giảm nhẹ 0,2%/năm ở các kỳ hạn 6-9 tháng; OCB giảm 0,2%/năm ở các kỳ hạn 18 tháng trở lên.
VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong thời gian tới, tuy nhiên có lẽ khó có thể giảm mạnh như trong 5 tháng đầu năm khi mà nhu cầu tín dụng có thể sẽ tăng tốc và áp lực tỷ giá có thể quay trở lại khi mà FED vẫn đang giữ lãi suất điều hành ở mức cao.
Như vậy, sau giai đoạn "tăng nóng" vào cuối 2022, lãi suất tiết kiệm bắt đầu hạ nhiệt từ đầu năm nay. Diễn biến này, theo giới phân tích, do thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào, thậm chí dư thừa hơn trước.
Mức lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở ngưỡng cao phản ánh thanh khoản của hệ thống ở trạng thái khá hạn chế. Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt cho thấy sự dồi dào thanh khoản. Ngân hàng huy động vốn nhiều, nhưng không thể cho vay ra tương ứng.
BIDV (BID) gia nhập cuộc đua tăng vốn, phát hành 1,2 tỷ cổ phiếu trả cổ tức
VPBank (VPB) ngừng toàn bộ giao dịch của một loại thẻ ghi nợ