Sau hơn 4 tháng bị khởi tố, vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng bán thêm gần 1 triệu cổ phiếu
Sau hơn 4 tháng bị khởi tố, bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng, đã bán gần 1 triệu cổ phiếu. Bà Huỳnh Thị Mai Dung là cổ đông lớn tại Cotana.
Bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Cotana (CSC) vừa công bố thông tin đã bán 976.000 cổ phiếu, trong tổng số 1 triệu đơn vị đăng ký từ ngày 4/10 - 2/11. Lý do không thực hiện hết giao dịch do điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Sau giao dịch, bà Dung còn nắm giữ hơn 4,15 triệu cổ phiếu CSC, tỷ lệ 13,31%.
Trên thị trường, cổ phiếu CSC đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/11 tại mức giá 28.100 đồng/cp. Nếu tạm tính với mức thị giá này, bà Dung đã thu về 27,4 tỷ đồng.
Trước đó, bà Dung cũng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu từ ngày 28/8-26/9. Tuy nhiên, bà Dung chỉ bán được 39.000 cổ phiếu. Lý do không thực hiện hết giao dịch do điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Ở chiều ngược lại, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, mã APS) đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu CSC. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 11/10-9/11, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Đầu tháng 10, HĐQT Chứng khoán APEC đã thông qua quyết định đầu tư mua 2 triệu cổ phiếu CSC. Giá mua không cao hơn 32.000 đồng/cp. Thời gian đầu tư dự kiến vào quý IV/2023, bằng hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn. Dự kiến, APEC có thể chi khoảng 64 tỷ đồng để mua cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Phó chủ tịch HĐQT Cotana, đồng thời là thành viên HĐQT Chứng khoán APEC. Ông Lăng nắm giữ 23.115 cổ phiếu CSC, tỷ lệ 0,07%.
Ngày 23/6, Nguyễn Đỗ Lăng cùng với 3 bị can khác đã bị cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam vì tội “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).
Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ ngày 4/5-31/12/2021, Nguyễn Đỗ Lăng và Huỳnh Thị Mai Dung, một số đối tượng khác chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 40 tài khoản chứng khoán mở tại APS để liên tục mua, bán tạo ra cung cầu giả và giá đóng cửa mới, đẩy giá cổ phiếu ba mã API, APS, IDJ tăng bất thường.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* IBC: Ông Quách Mạnh Hào, Thành viên HĐQT độc lập CTCP Đầu tư Apax Holdings vừa có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.
* SZL: CTCP Sonadezi Long Thành chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 10/11.
* VE3: CTCP Xây dựng điện Vneco3 thông qua phương án phát hành hơn 105.000 cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 theo tỷ lệ 100:8. VE3 còn phát hành hơn 1,21 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông theo tỷ lệ 100:92, dự kiến giá chào bán 10.000 đồng/cp.
* KHG: CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land thông qua việc rút hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp theo nghị quyết HĐQT ngày 5/10.
* SJF: Sở GDCK TP.HCM vừa có quyết định về việc chuyển cổ phiếu của CTCP Sao Thái Dương từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 13/11.
* YEG: CTCP Tập đoàn Yeah1 dự kiến sẽ phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 1.000:722, cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 722 cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện là thặng dự vốn cổ phần luỹ kế căn cứ trên Báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2022. Dự kiến triển khai trong năm 2023.
* VHC: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị CTCP Vĩnh Hoàn thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định. Trước đó, cơ quan này nhận được đề nghị gia hạn thời gian nộp và công bố Báo cáo tài chính quý III/2023.
* PVC: Ngày 15/11, Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP (PVChem) chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 1,8%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 180 đồng.
* VNT: CTCP Transimex (TMS), cổ đông lớn của CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương đăng ký mua 750.000 cổ phiếu từ ngày 8/11-6/12 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* VCG: Nhóm cổ đông do Dragon Capital quản lý đã mua vào 1,3 triệu cổ phiếu Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam trong ngày 2/11. Nhóm này nắm giữ hơn 27,08 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,06%.
VN-Index
Chốt phiên 7/11, VN-Index giảm 9,37 điểm (-0,86%), xuống 1.080,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 634,5 triệu đơn vị, giá trị 12.599,2 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 1,3 điểm (-0,59%), xuống 219,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,8 triệu đơn vị, giá trị 1.601 tỷ đồng.
UpCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,52%), xuống 84,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,3 triệu đơn vị, giá trị 465,2 tỷ đồng.
Nhận định thị trường, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ còn biến động giằng co quanh đường trung bình 20 phiên của VN-Index trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nên có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh vùng giá hiện tại với thanh khoản thấp.
Hiện tại, chỉ số VN-Index đang đối mặt với vùng kháng cự 1.083-1.100 điểm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn không quá hưng phấn với diễn biến thị trường hiện tại.
Theo Chứng khoán Vietcombank, VN-Index nhiều khả năng vẫn sẽ giao dịch giằng co và có những nhịp bật nảy quanh khu vực 1.080-1.090 điểm trong các phiên tới.
Nhà đầu tư hạn chế giải ngân mua mới và tạm thời quan sát thêm diễn biến giao dịch trên thị trường trong một vài phiên tới. Đồng thời, có thể tận dụng những nhịp bật nảy trong phiên để hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công từ những phiên trước.
Công ty chứng khoán Top đầu sắp cán mốc 10.000 tỷ đồng dư nợ cho vay margin
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh