Doanh nghiệp

Sau loạt tin từ Ấn Độ, Myanmar – giá gạo Việt lập đỉnh mới

Yên Hoàng 29/08/2023 - 16:16

Cụ thể, theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 28/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của cả 3 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đồng loạt tăng.

Thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả loại gạo tẻ thường từ 20/7 đã làm thị trường gạo thế giới chao đảo. Không dừng lại, mới đây, 25/8, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới này lại tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ, theo đó là Myanmar ra thông báo hạn chế xuất khẩu gạo. Điều này khiến các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu như Việt Nam và Thái Lan chứng kiến giá gạo tăng nhanh chóng.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, ngày 28/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của cả 3 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đồng loạt tăng. Trong đó, gạo Việt tăng 5 USD/tấn so với phiên 25/8, lên mức 643 USD/tấn; gạo Thái Lan tăng 2 USD/tấn lên 630 USD/tấn; hàng cùng loại của Pakistan tăng 10 USD/tấn, đạt 608 USD/tấn.

Theo đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 13 USD/tấn và 35 USD/tấn.

Với gạo 25% tấm có sự tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch 28/8. Cụ thể, loại gạo này của Việt Nam tăng 5 USD/tấn lên 628 USD/tấn; gạo Thái Lan giảm 2 USD/tấn về mức 563 USD/tấn; gạo Pakistan cũng tăng 5 USD đạt 533 USD, song vẫn thấp hơn hàng cùng loại của nước ta 95 USD/tấn.

Sau loạt tin từ Ấn Độ, Myanmar – giá gạo Việt lập đỉnh mới

Tại thị trường nội địa, sau khi điều chỉnh giảm nhẹ, ở tuần từ 17-25/8 (tuần cập nhật mới nhất từ VFA) giá lúa gạo đồng loạt tăng trở lại. Trong đó, lúa thường tại kho có mức tăng thấp nhất là 133 đồng/kg, gạo lứt loại 1 có mức tăng cao nhất là 313 đồng/kg.

Cụ thể, giá bình quân lúa thường tại ruộng ở mức 7.895 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 9.217 đồng/kg, gạo lứt loại 1 là 12.704 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 là 14.838 đồng/kg, gạo 5% tấm 14.707 đồng/kg, gạo 15% tấm giá 14.442 đồng/kg, gạo 25% tấm giá 14.142 đồng/kg...

VFA cũng cho biết, từ 1-25/8, có 52 tàu vào cảng TP.HCM xếp hàng mua gạo với số lượng dự kiến 483.600 tấn các loại.

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 25/8, vụ Hè Thu 2023 ở ĐBSCL thu hoạch được 1,017 triệu ha trong tổng 1,482 triệu ha diện tích gieo sạ, ước sản lượng đạt 6,034 triệu tấn lúa. Vụ Thu Đông 2023 đã gieo sạ 490.000/700.000 ha diện tích dự kiến, đã thu hoạch được 25.000 ha.

Theo văn bản chỉ đạo do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký mới đây, UBND TP HCM giao Sở Tài chính theo dõi sát tình hình giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời tham mưu UBND thành phố các biện pháp điều hành giá các mặt hàng gạo theo diễn biến thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giao Sở Công Thương tăng cường theo dõi sát diễn biến cung cầu mặt hàng gạo trên thị trường, phối hợp cung cấp thông tin, cùng với Sở Tài chính phân tích, dự báo thông tin thị trường, tham mưu kịp thời cho UBND thành phố các giải pháp cân đối cung cầu thị trường, quản lý, điều hành giá. Đồng thời có nhiệm vụ hối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình cung cầu trên thị trường mặt hàng gạo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao theo dõi sát diễn biến giá lúa trên địa bàn để phối hợp với Sở Tài chính trong việc điều chỉnh giá mặt hàng gạo tham gia Chương trình Bình ổn thị trường TP HCM.

Cục Quản lý thị trường thì tăng cường theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện thông tin đầy đủ kịp thời về các giải pháp điều hành của Nhà nước; quy định về sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thị trường; về tình hình cung, cầu, giá mặt hàng gạo bình ổn phục vụ người dân; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.

Đối với các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường mặt hàng gạo trên địa bàn, UBND TP HCM đề nghị cần chủ động phương án về nguồn hàng lúa, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm; phát huy vai trò góp phẩn ổn định thị trường khi có biến động, đồng thời chủ động đề xuất điều chỉnh giá bán các mặt hàng tham gia Chương trình Bình ổn thị trường phù hợp với biến động giá nguyên liệu đầu vào và giá thị trường, linh hoạt các chương trình khuyến mãi kích thích tiêu dùng…

Theo kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sau-loat-tin-tu-an-do-myanmar-gia-gao-viet-lap-dinh-moi-198590.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Sau loạt tin từ Ấn Độ, Myanmar – giá gạo Việt lập đỉnh mới
POWERED BY ONECMS & INTECH