Sếp VMO Holding: Lao động Việt nhanh nhẹn, chuẩn chỉ nhưng thiếu tư duy phục vụ khách hàng
Thiếu kỹ năng ngoại ngữ cũng là một trở ngại lớn cho lớp lao động trẻ.
Ngày 2/10/2024, "Diễn đàn mở cơ hội nghề nghiệp sinh ra từ công nghệ mới - Giới trẻ đón nhận như thế nào?" được tổ chức tại tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hòa Lạc). Các chuyên gia đã đưa ra ý kiến phân tích và định hướng cho những người trẻ trong giai đoạn chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng như hiện nay. Trong bối cảnh robot và AI đang ngày càng xử lý công việc nhanh chóng và khoa học, thị trường lao động đang biến đổi nhanh chóng và đầy cạnh tranh.
Bà Phạm Thị Nhung, Giám đốc Nguồn lực tại VMO Holding - một trong những doanh nghiệp tư vấn và triển khai phần mềm hàng đầu Việt Nam hiện nay nhận định, nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt là những lao động trẻ mới ra trường, tuy có khả năng làm việc nhanh và tuân thủ tốt yêu cầu công việc, nhưng lại thiếu sự đổi mới, sáng tạo và tư duy phục vụ khách hàng.
Bà Nhung cho rằng, sinh viên cần phải chuẩn bị tốt hơn để thích nghi với thị trường lao động toàn cầu đầy thách thức. Đặc biệt, các kỹ sư công nghệ thông tin (IT) đang chịu áp lực không chỉ từ kỹ năng chuyên môn mà còn từ yêu cầu về ngoại ngữ và khả năng giải quyết vấn đề. Trong quá trình tuyển dụng thực tế, đại diện VMO Holding đã chỉ ra 5 điểm yếu mà các kỹ sư IT cần phải khắc phục.
Bà Phạm Thị Nhung - Giám đốc Nguồn lực tại VMO Holding |
>> Bình quân một tháng có thêm 21.000 doanh nghiệp
Thứ nhất, dù nhiều kỹ sư đã có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên và được đào tạo tốt, nhưng tính chuyên sâu về nghiệp vụ và sản phẩm vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do đặc thù công việc gia công phần mềm cho khách hàng, khiến cho kiến thức về sản phẩm và quy trình phát triển còn thiếu chiều sâu.
Tiếp đó, việc thiếu kỹ năng ngoại ngữ cũng là một trở ngại lớn cho lớp lao động trẻ. "Tháng 3/2024, đội ngũ tuyển dụng của chúng tôi gặp khó khăn khi tìm kiếm nhân sự cho các dự án quốc tế. Nhiều dự án yêu cầu kỹ năng song ngữ, làm việc với đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc. Do đó, các trưởng nhóm phải sử dụng thành thạo tiếng Anh và một ngôn ngữ khác, nhưng nhiều người không đáp ứng được yêu cầu này".
Ngoài ra, mặc dù lao động Việt Nam có lợi thế về tính chuẩn chỉ và nhanh nhẹn trong công việc, nhưng khả năng tư duy sáng tạo và phát triển sản phẩm cho người dùng cuối còn rất yếu. Bà Nhung nhấn mạnh: "Khách hàng cần chúng ta như những chuyên gia, người có khả năng tìm ra giải pháp sáng tạo nhất. Tuy nhiên, nhiều lao động vẫn giữ tư duy bị động, chỉ làm theo yêu cầu mà không có sáng kiến riêng, điều này không còn phù hợp trong thời đại hiện nay".
Bà Nhung cũng cảnh báo rằng trong môi trường làm việc đa văn hóa, xung đột về văn hóa là điều dễ xảy ra. Do đó, người lao động cần thích nghi nhanh chóng và chủ động tìm hiểu văn hóa của công ty. Đặc biệt, với các dự án liên quan đến bảo mật, mỗi công ty và quốc gia sẽ có những tiêu chuẩn bảo mật khác nhau, vì vậy người lao động cần nghiêm túc trau dồi kiến thức về vấn đề này.
Cuối cùng, bà Nhung lưu ý rằng mức lương trong ngành IT hiện đang bị "ảo hóa" quá cao so với thực tế. Do đó, sinh viên và những người mới ra trường nên tập trung vào việc phát triển kỹ năng thay vì chỉ chú trọng vào mức lương ban đầu. "Hãy chuẩn bị kỹ năng chuyên môn và tư duy sáng tạo, vì đó mới là chìa khóa thành công lâu dài" bà Nhung khuyến nghị.
Cũng trong diễn đàn, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT đã nhận định rằng, thế giới luôn có những ngành nghề mới và cũng sẽ có những ngành nghề cũ bị mất dần đi. Ông Tiến dự đoán, với tốc độ phát triển của AI và robot, khoảng 20-30% lực lượng lao động sẽ được trả lương cao hơn nhờ vào khả năng thích nghi với công nghệ mới. Tuy nhiên, 70% lao động còn lại có nguy cơ rơi vào tình trạng "tầng lớp vô dụng trong tương lai", vì không còn phù hợp với thị trường lao động hiện đại. Tương lai này có thể đến sớm vào năm 2030.
>> Ông Hoàng Nam Tiến: 70% lao động sắp mất việc vào tay AI, giáo viên và kế toán chịu ảnh hưởng đầu tiên>> Bình quân một tháng có thêm 21.000 doanh nghiệp