Việt Nam triển khai dự án 33 triệu USD liên quan thủy ngân và hóa chất độc hại
Dự án kéo dài 4 năm, mục tiêu loại bỏ hàng chục tấn thuỷ ngân và hóa chất độc hại.
Ngày 11/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chính thức khởi động dự án giảm phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân, thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và phát triển nhãn sinh thái.
Dự án có thời gian triển khai trong 4 năm với tổng kinh phí 33,1 triệu USD. Trong đó, hơn 4,6 triệu USD do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ, phần còn lại là 28,5 triệu USD vốn đối ứng từ trong nước. Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan chủ trì thực hiện, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và cộng đồng.
Dự án đặt mục tiêu giảm 648kg thủy ngân bằng cách loại bỏ và thay thế 10.000 thiết bị y tế chứa thủy ngân, 20.000 bóng đèn huỳnh quang; giảm thiểu 35 tấn POP có trong nguyên liệu, sản phẩm, chất thải; cắt giảm phát thải U-POP và thủy ngân trong không khí. Đồng thời, dự án hướng đến thiết lập cơ chế tài chính xanh và thúc đẩy áp dụng nhãn sinh thái trên phạm vi rộng.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, khẳng định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu rủi ro ô nhiễm hóa chất, đáp ứng các cam kết trong Công ước Stockholm và Công ước Minamata, đồng thời phù hợp với khung pháp lý hiện hành.
Theo Công ước Stockholm mà Việt Nam tham gia, có 37 chất POP cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng khoảng 33.345 tấn hỗn hợp SCCP, MCCP và LCCP trong các lĩnh vực như phụ gia cao su, nhựa PVC và EVA, chất kết dính, sơn, da và giấy.
Ngoài ra, có 86,5 tấn Decabromodiphenyl và Decabromodiphenyl ethane được nhập khẩu để sản xuất xốp EPS. PFOS – một chất phổ biến trong bọt chữa cháy được sử dụng với khối lượng từ 10-15 tấn mỗi năm và hiện đang tồn kho khoảng 20.000 tấn. Việt Nam cũng ghi nhận hơn 9 tấn chất UV-328 trong ngành công nghiệp.
Đối với thủy ngân, đây vẫn là thành phần phổ biến trong nhiều thiết bị y tế như nhiệt kế, máy đo huyết áp, bóng đèn huỳnh quang. Tuy nhiên, hệ thống thu gom, phân loại và xử lý các sản phẩm chứa thủy ngân sau sử dụng hiện vẫn còn thiếu đồng bộ, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.
>> Đồng Nai đón nhà máy hóa chất 126 tỷ đồng, tạo ra 100 việc làm
Khu kinh tế Vũng Áng hút hơn 16.500 tỷ đồng vốn đầu tư, dự án của VSIP là điểm nhấn
Tập đoàn Tân Hoàng Minh kiến nghị tỉnh Lâm Đồng giao đất để đầu tư dự án Khu đô thị thông minh