Siết cho vay khách hàng lớn, danh tính cổ đông tại Luật các Tổ chức tín dụng 2024
Luật Các Tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Luật có 4 thay đổi quan trọng, trong đó siết cho vay khách hàng lớn, công bố thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ...
Luật mới khắc phục một số hạn chế của Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) ban hành năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Luật Các TCTD mới có 4 thay đổi quan trọng, mang lại những cơ hội và thách thức cho các bên liên quan gồm TCTD, doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng.
Theo đánh giá của PwC về Luật Các TCTD năm 2024, các TCTD, doanh nghiệp và nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội để đánh giá tác động của các quy định mới và sử dụng chúng để tạo ra lợi thế cạnh tranh, thay vì cho rằng đó là rào cản.
Giảm tỷ lệ sở hữu tối đa và siết chặt yêu cầu công bố thông tin
Luật Các TCTD sửa đổi đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến sở hữu chéo và thao túng, hướng đến môi trường tài chính ổn định và đáng tin cậy hơn.
Luật quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa cho các cổ đông là tổ chức (bao gồm cả cổ đông gián tiếp) từ 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng xuống 10% và đối với các cá nhân và người có liên quan từ 20% xuống 15%.
Quy định này sẽ ảnh hưởng đến một số cá nhân và người có liên quan và các cổ đông là tổ chức đang sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt giới hạn tại các ngân hàng.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn được duy trì theo Nghị định số 01 năm 2014 cho đến khi Chính phủ ban hành quy định mới.
Luật cũng bổ sung trách nhiệm công bố thông tin toàn diện về các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, bao gồm thông tin về cổ đông, người có liên quan và chi tiết sở hữu.
Quy định về giảm tỷ lệ sở hữu tối đa và siết chặt yêu cầu công bố thông tin sẽ có những tác động đến các bên liên quan.
Với TCTD, PwC đánh giá quy định này là cơ hội để đa dạng hoá cơ cấu cổ đông; trong khi với các nhà đầu tư, đây là cơ hội gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư mới, đa dạng hoá danh mục đầu tư bằng cách nắm giữ cổ phần với tỷ lệ nhỏ hơn tại nhiều TCTD khác nhau; với các khách hàng, những quy định trên sẽ giúp họ nâng cao niềm tin vào TCTD.
Tuy nhiên, đi kèm theo cũng là những thách thức, đó là việc giảm tiềm năng đầu tư chiến lược dài hạn, gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho các TCTD, nhà đầu tư sẽ phải đánh giá lại và điều chỉnh chiến lược đầu tư.
Giảm giới hạn cấp tín dụng
Luật sửa đổi quy định lộ trình 5 năm để các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm dần hạn mức tín dụng đối với một khách hàng (từ 15% xuống 10% vốn tự có) và đối với một khách hàng và người có liên quan (từ 25% xuống 15%) nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung.
Từ 1/7, Luật cũng yêu cầu các TCTD phi ngân hàng phải giới hạn hạn mức tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có và 25% đối với một khách hàng và người có liên quan.
Lộ trình cụ thể về giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản 1, Điều 136 như sau: - Từ 1/7/2024 đến trước 1/1/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. - Từ 1/1/2026 đến trước 1/1/2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. - Từ 1/1/2027 đến trước 1/1/2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. - Từ 1/1/2028 đến trước 1/1/2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. - Từ ngày 1/1/2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. |
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
PwC đánh giá quy định trên giúp các TCTD đa dạng hoá danh mục tín dụng, phân tán rủi ro tín dụng trên nhiều đối tượng vay.
Với khách hàng, đây sẽ là lợi thế tiềm năng cho doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm nguồn vay.
Tuy nhiên, các TCTD sẽ phải điều chỉnh chiến lược cho vay tín dụng và cập nhật quy trình quản lý rủi ro tín dụng cùng hệ thống CNTT, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với khách hàng.
Với khách hàng, có thể sẽ làm tăng độ phức tạp và chi phí vay để đảm bảo nguồn vốn.
Siết phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance)
Điểm mới hoàn toàn của Luật Các TCTD năm 2024 là việc chính thức nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, người quản lý, điều hành và nhân viên của tổ chức tín dụng thực hiện việc bán các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Điều này giúp tăng cường bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đồng thời nâng cao uy tín và sự tin cậy cho chính TCTD.
Tuy nhiên, TCTD vì thế có thể giảm doanh thu ngắn hạn, đồng thời có thể sẽ phải điều chỉnh lại thỏa thuận hợp tác với các đối tác là công ty bảo hiểm.
Với khách hàng, họ có thể phải chịu một số chi phí bổ sung do tách biệt các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm.
Sự can thiệp sớm của NHNN
Luật sửa đổi bổ sung các trường hợp Ngân hàng Nhà nước được phép thực hiện các biện pháp can thiệp sớm đối với các TCTD vi phạm các quy định hiện hành, ví dụ như bị rút tiền hàng loạt hoặc vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả của TCTD.
Quy định này sẽ hỗ trợ NHNN trong việc việc xác định và khắc phục các vấn đề tiềm ẩn, từ đó khiến cho TCTD trở nên tăng sức hấp dẫn đối với đầu tư dài hạn.
Nhà đầu tư nhờ vậy cũng tăng cường niềm tin vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng, dẫn đến nhu cầu đầu tư vào ngân hàng cao hơn.
Đặc biệt, quy định này giúp tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi cho các khách hàng.
>> Chính thức siết thao túng ngân hàng theo quy định mới từ 1/7
VPBank có được lợi ích gì khi nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém?
Ngân hàng MB có thể nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém