Siêu máy tính nhanh nhất thế giới chính thức đi vào hoạt động: Trị giá 600 triệu USD, được dùng để xử lý những nhiệm vụ nhạy cảm và tối mật
Đây không chỉ là biểu tượng của sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ, mà còn là công cụ chiến lược quan trọng trong các nhiệm vụ bảo mật quốc gia của Mỹ.
Siêu máy tính El Capitan, vừa chính thức đi vào hoạt động tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) ở California. Đây là siêu máy tính nhanh nhất thế giới với hiệu suất đỉnh cao lên tới 2.746 exaFLOPS và trở thành siêu máy tính thứ ba trên thế giới đạt được tốc độ tính toán exascale. Với mức chi phí đầu tư lên đến 600 triệu USD, El Capitan không chỉ là biểu tượng của sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ, mà còn là công cụ chiến lược quan trọng trong các nhiệm vụ bảo mật quốc gia của Mỹ.
Quá trình chế tạo El Capitan bắt đầu vào tháng 5/2023 và cỗ máy hoạt động vào tháng 11/2024 trước khi ra mắt chính thức vào ngày 9/1. Tại thời điểm ra mắt, El Capitan đã đạt được 1,742 exaFLOPS trong bài kiểm tra hiệu suất High-Performance Linpack (HPL), bài kiểm tra chuẩn để đánh giá tốc độ của các siêu máy tính trên toàn cầu.
Để hình dung về hiệu suất của El Capitan, có thể so sánh rằng các máy tính thông thường hiện nay chỉ đạt vài trăm gigaFLOPS, tương đương với 1 tỷ (10^9) phép toán dấu phẩy động mỗi giây. Trong khi đó, một exaFLOP tương đương với 1 tỷ tỷ (10^18) phép toán mỗi giây.
El Capitan không chỉ được biết đến vì tốc độ ấn tượng mà còn bởi những ứng dụng chiến lược mà nó phục vụ. Theo thông tin từ LLNL, siêu máy tính này sẽ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó có việc đảm bảo an toàn cho kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ đã cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất từ năm 1992, El Capitan sẽ hỗ trợ các nghiên cứu về thiết kế vũ khí, dữ liệu hạt nhân, vật lý mật độ năng lượng cao và khám phá vật liệu mới.
Công nghệ của El Capitan được trang bị hơn 11 triệu lõi xử lý và đồ họa, được tích hợp trong 44.544 bộ xử lý tăng tốc AMD MI300A. Những bộ vi xử lý này kết hợp giữa AMD EPYC Genoa CPU, card đồ họa AMD CDNA3 và bộ nhớ máy tính tốc độ cao, với mỗi đơn vị sử dụng 128 GB bộ nhớ băng thông cao (HBM), giúp tăng cường hiệu suất tính toán mà vẫn tiết kiệm năng lượng.
El Capitan được phát triển trong khuôn khổ chương trình CORAL-2 của Bộ Năng lượng Mỹ, với mục tiêu thay thế siêu máy tính Sierra đã được triển khai từ năm 2018. Mặc dù Sierra vẫn đang hoạt động và hiện đứng thứ 14 trong danh sách Top500 các siêu máy tính mạnh nhất, El Capitan đã chính thức vượt qua để trở thành cỗ máy tính mạnh mẽ và tiên tiến nhất hiện nay.
Siêu máy tính này còn tiếp tục góp phần vào sự phát triển của ngành khoa học máy tính, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu quân sự, quốc phòng và công nghệ cao, tạo tiền đề cho những bước tiến lớn trong các lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân và vật lý. El Capitan không chỉ là biểu tượng của sự tiến bộ công nghệ mà còn là công cụ chiến lược quan trọng giúp Mỹ duy trì sự dẫn đầu trong các nghiên cứu khoa học và bảo mật quốc gia.
Siêu máy tính AI nhỏ gọn giá chỉ 3.000 USD của Nvidia gây sốt, hứa hẹn mở ra 'mỏ vàng' mới
Nvidia ra mắt siêu máy tính cá nhân AI cỡ nhỏ: 'Quái vật' trên bàn làm việc có giá 3.000 USD