Xã hội

Quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng Việt Nam được đề cử di sản thế giới

Hải Châu 12/07/2025 - 09:10

Quần thể này được đề cử vào danh mục di sản thế giới tại kỳ họp thứ 47 của UNESCO.

Theo Báo Lao Động, từ ngày 7-16/7, kỳ họp lần thứ 47 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp) với sự tham dự của 195 quốc gia thành viên. Tại kỳ họp này, Việt Nam đề cử quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc, trải dài trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng (tỉnh Hải Dương cũ) và Bắc Ninh (tỉnh Bắc Giang cũ), vào danh mục di sản thế giới.

Quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng Việt Nam được đề cử di sản thế giới - ảnh 1
Chùa Yên Tử. Ảnh: Ban truyền thông chùa Yên Tử

Theo hồ sơ di sản, quần thể có tổng diện tích vùng lõi là 525,75ha và vùng đệm là 4.380,19ha. Vùng lõi bao gồm 12 thành phần di sản chính, phản ánh đầy đủ các giai đoạn hình thành, lan tỏa và phục hưng của thiền phái Trúc Lâm. Vùng đệm có vai trò bảo vệ cảnh quan văn hóa, đảm bảo tính toàn vẹn, sự liên kết hài hòa của di sản, được quản lý nghiêm ngặt theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Lâm nghiệp Việt Nam.

Hồ sơ đề cử được Việt Nam khởi động từ năm 2012. Trong suốt 13 năm qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp với ICOMOS (tổ chức tư vấn chuyên môn của UNESCO) để khảo sát và thẩm định. Ít nhất ba đoàn chuyên gia của ICOMOS cùng các nhà nghiên cứu quốc tế đã trực tiếp làm việc tại ba địa phương trong phạm vi quần thể.

Quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng Việt Nam được đề cử di sản thế giới - ảnh 2
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên non thiêng Yên Tử. Ảnh: Yên Tử Tùng Lâm

Trong các buổi làm việc, Việt Nam nhấn mạnh rằng thiền phái Trúc Lâm, dòng Phật giáo do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII, là một hệ tư tưởng đặc biệt, kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa, Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tư tưởng của thiền phái không chỉ dừng lại ở triết lý tu hành mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực như quản trị quốc gia, giáo dục, ngoại giao, y học, thể hiện rõ mối liên hệ giữa đạo và đời trong xã hội Đại Việt.

Thiền phái Trúc Lâm cũng là dòng Phật giáo duy nhất trên thế giới được sáng lập bởi một vị vua thoái vị để xuất gia - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài không chỉ từ bỏ ngai vàng mà còn xây dựng nên một tư tưởng nhập thế, đề cao vai trò của người tu hành trong việc gắn bó, dấn thân và phụng sự xã hội thay vì tách biệt khỏi đời sống thế tục.

Quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng Việt Nam được đề cử di sản thế giới - ảnh 3
Chùa Ngọa Vân. Ảnh: Đài PT&TH Hà Nội

Toàn bộ 12 thành phần chính trong quần thể đều góp phần kể lại một cách hệ thống, nhất quán câu chuyện về sự hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm. Những giá trị văn hóa đặc sắc của thiền phái được thể hiện thông qua hệ thống chùa chiền, tháp mộ, am tu hành, tuyến hành hương, mộc bản và bia đá, tất cả đều được quy hoạch có chủ đích trong bối cảnh thiên nhiên linh thiêng.

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực thuyết trình và giải trình các khuyến nghị của ICOMOS để chứng minh "giá trị nổi bật toàn cầu". Việc được công nhận là di sản thế giới sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững của ba tỉnh trong vùng di sản.

>> Việt Nam sẽ thực hiện khai quật khảo cổ một di sản thế giới nổi tiếng được UNESCO công nhận

Việt Nam chính thức có thêm một Di tích quốc gia đặc biệt

Thu hồi văn bản xin 'trưng dụng biệt thự trong di tích làm nơi ở cho cán bộ'

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/quan-the-di-tich-va-danh-thang-noi-tieng-viet-nam-duoc-de-cu-di-san-the-gioi-146593.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng Việt Nam được đề cử di sản thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH