Sở Công Thương lý giải việc 10 tấn gạo hết được gom hết trong vòng 1 tiếng ở Tiền Giang
Đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước vẫn chưa nhận được đơn hàng mới.
Ngày 18/1, tại xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cảnh tượng người dân tập trung đông đúc quanh một xe tải chở đầy gạo đã thu hút sự chú ý. Chỉ trong vòng một tiếng, hơn 10 tấn gạo gồm hai loại Sa Mơ và Thơm, với giá lần lượt 600.000 đồng và 750.000 đồng mỗi bao 50kg, đã được bán hết sạch.
Theo báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân tại thị xã Cai Lậy đã chia sẻ: “Mấy hôm trước, tôi mua gạo tại nhà máy còn rẻ hơn, nhưng giá hôm nay cũng đã giảm khoảng 200.000 đồng mỗi bao so với tuần trước. Tôi mua thêm một bao Sa Mơ để ăn dần”.
Phần lớn người dân mua từ 50kg đến 100kg để dự trữ, bởi giá gạo hiện tại rẻ hơn đáng kể so với trước đây.
Lý giải về sự giảm giá này, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang - cho biết, tình trạng xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn do các thị trường lớn như Philippines và Indonesia đã ngừng nhập khẩu.
Ngoài các điểm bán cố định, các xe chở gạo cũng tấp nập mua bán. Ảnh: Mậu Trường |
>> Lý do người dân miền Tây đổ xô đi mua hàng trăm tấn gạo về dự trữ
“Philippines, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đang tạm dừng nhập khẩu. Trong khi đó, Indonesia tuyên bố sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2025 nhờ nguồn dự trữ và sản lượng nội địa dồi dào”, ông Phi nói.
Ngoài ra, ông Phi cũng cho biết, Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới – đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu, khiến nguồn cung gạo dồi dào hơn trên thị trường quốc tế. Điều này tạo sức ép lớn lên giá gạo toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Theo các chuyên gia trong ngành, sự cạnh tranh từ các quốc gia như Ấn Độ và Pakistan càng làm tình hình thêm khó khăn. Philippines hiện đang hợp tác với các nước này để đảm bảo nguồn cung, khiến nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam giảm mạnh.
Đối với Indonesia, quốc gia này đã lên kế hoạch ưu tiên thu mua gạo nội địa thay vì nhập khẩu. Chính sách này gây ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, vốn phụ thuộc vào các thị trường lớn trong khu vực.
Đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước vẫn chưa nhận được đơn hàng mới. Điều này buộc các nhà máy xay xát và công ty xuất khẩu gạo phải “xả kho” bằng cách bán lẻ cho người dân với giá thấp để giảm tồn kho. Việc này không chỉ giúp người dân có cơ hội mua gạo giá rẻ mà còn phản ánh thực trạng khó khăn mà ngành xuất khẩu gạo đang đối mặt.
Trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ thị trường quốc tế, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam cần tìm kiếm các giải pháp đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm để giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như Philippines và Indonesia.