Xuất khẩu cá sấu sống 'hàng tuyển' sang Trung Quốc, Campuchia nuôi mộng tỷ đô
Qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt, cá sấu Campuchia sẽ được xuất khẩu sống nguyên con sang Trung Quốc.
Trong khuôn khổ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thú y và Chăn nuôi, cùng Sở Nông nghiệp tỉnh Siem Reap thu thập mẫu từ cá sấu sống để phân tích virus. Các mẫu phân và máu của cá sấu đã được thu thập trong tháng 1 năm nay để đánh giá nguy cơ bệnh tật.
Theo bà Im Rachna, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm người phát ngôn của MAFF, các bước kiểm tra đảm bảo rằng cá sấu Campuchia không mắc các bệnh hoặc virus bị cấm theo quy định hải quan Trung Quốc. "Nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, việc xuất khẩu có thể bắt đầu vào năm 2025", bà Rachna cho biết.
Nghề nuôi cá sấu tại Campuchia đang gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc trở thành tia hy vọng cho các nông dân. Ảnh minh họa |
Với hơn 330.000 con cá sấu đang được nuôi tại Campuchia (theo số liệu năm 2023), việc mở cửa thị trường Trung Quốc mang lại hy vọng lớn cho người chăn nuôi. MAFF kỳ vọng, sau khi chuyển hàng đầu tiên thành công, Campuchia sẽ gia nhập thị trường cá sấu sống quy mô lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, người nuôi cá sấu tại Campuchia đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá thành sản phẩm suy giảm. Theo bà Ann Piradi, một người từng nuôi cá sấu ở tỉnh Siem Reap, giá cá sấu con trước đây dao động từ 6-7USD, nay chỉ còn 2-3USD. Tình trạng này khiến nhiều người bỏ nghề nuôi cá sấu.
Trước khi có thể xuất khẩu, Campuchia cần hoàn tất các thủ tục theo quy định của Trung Quốc và Công ước CITES về buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp. Dù có nhiều khó khăn trong quy trình đánh giá bệnh tật và tính khả thi của việc duy trì chất lượng cá sấu, việc mở cửa thị trường mới được xem là bước tiến quan trọng.
Bà Piradi cho rằng việc xuất khẩu sang Trung Quốc có thể không ngay lập tức tăng giá cá sấu tại Campuchia, nhưng đây là cơ hội để khai thác thị trường lớn hơn.