Sống

Sở Giáo dục lý giải yêu cầu 'không được hỏi bài cũ học sinh theo kiểu bất chợt'

Lê Huyền 15/09/2023 - 16:04

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu giáo viên không được hỏi bài cũ học sinh theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt".

Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Quận 3 vừa qua.

Theo ông Hiếu, hiện nay vẫn còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ kiểm tra bài cũ theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt. Điều này gây áp lực, căng thẳng cho học sinh, trong khi đó, nhiều học sinh vừa đến trường, vừa ăn sáng, ôn bài và lo lắng bị hỏi bài cũ.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng để nâng cao chất lượng, trường học cũng phải hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, không bị căng thẳng. Nếu thầy cô cứ "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" không những làm cho học sinh căng thẳng, còn không mang lại giá trị gì cho các em.

Để học sinh đến trường hạnh phúc thầy, cô có thể lựa chọn bằng nhiều cách khác nhau để kiểm tra kiến thức. Ngoài ra, các giáo viên cũng có thể chọn nhiều cách để đi vào bài học một cách nhẹ nhàng, thoải mái, tạo cho học sinh sự hứng thú khi học tập.

Về vấn đề này, chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh thêm, hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dựa trên quan điểm theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất.

Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Thực hiện mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời.

Việc “trả bài” như trước đây còn mang nặng tính tập trung về kiểm tra kiến thức, không phù hợp với quan điểm, mục tiêu và các chỉ đạo chung trong thời điểm hiện tại. Việc hình thành kiến thức không chỉ là ghi nhớ, thuộc lòng quan trọng là hình thành thông qua việc tham gia các hoạt động học tập để ghi khắc kiến thức và năng lực, phẩm chất cho học sinh

Qua các hoạt động học tập bài dạy, thầy cô và học sinh trải qua 4 hoạt động gồm: Hoạt động 1 xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/mở đầu; Hoạt động 2 hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ hoạt động trước; Hoạt động 3 luyện tập; Hoạt động 4 là vận dụng.

Theo vị phó giám đốc này, mỗi bài dạy có thể thực hiện trong nhiều tiết học, bảo đảm đủ thời gian dành cho mỗi hoạt động để học sinh thực hiện hiệu quả. Nhiệm vụ của thầy cô giúp cho học sinh luôn cảm thấy thích thú, hạnh phúc với việc học tập và mỗi sáng luôn háo hức đến trường.

Hợp tác giáo dục: Điểm nhấn trong mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Hướng dẫn mức chi cho giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở

Thừa Thiên – Huế sắp có dự án tổ hợp giáo dục hơn 433 tỷ đồng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/giao-vien-khong-duoc-kiem-tra-bai-cu-theo-kieu-keu-bat-chot-hoi-bat-chot-2190020.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Sở Giáo dục lý giải yêu cầu 'không được hỏi bài cũ học sinh theo kiểu bất chợt'
POWERED BY ONECMS & INTECH