Đường sá biến dạng, vết nứt trên các tòa nhà cao tầng đã khiến hàng nghìn người dân tại thành phố này phải sơ tán khẩn cấp.
Vào những ngày đầu tháng 6/2023, gần 4.000 cư dân từ ba tòa nhà 25 tầng ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc phải sơ tán khẩn cấp sau khi sụt lở đất tạo ra những vết nứt lớn trên tòa nhà các cao tầng và đường phố. Đây được xác định là một thảm họa địa chất bất ngờ có khả năng do các hốc ngầm dưới độ sâu 1.300m gây ra.
Ở nhiều khu vực đô thị, mặt đất sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức phục vụ cho sinh hoạt và công nghiệp trong bối cảnh tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh. Trong khi nước ngầm lại đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ cấu trúc của mặt đất. Việc loại bỏ nó làm cho các trầm tích bên dưới bị nén lại và lắng xuống, dẫn đến sụt lún. Thiên Tân cũng đang là một trong những thành phố có tốc độ chìm nhanh nhất thế giới, theo Nature Sustainability.
Trước đó, vào ngày 31/5, nhiều vết nứt rộng bất ngờ xuất hiện trên những con đường gần một khu dân cư ở quận Jinnan của Thiên Tân. Một số bãi đỗ xe ngầm cũng xảy ra hiện tượng nứt tường, thấm nước. Cư dân gần đó đã được di dời ngay lập tức trong đêm để đảm bảo an toàn.
Vào năm 2022, một tòa nhà ở Hồ Nam (Trung Quốc) đổ sập cũng đã khiến 54 người thiệt mạng. Đáng chú ý là tòa nhà này đã xây thêm tầng mà chưa được cấp phép. Trước đó, năm 2021, tòa nhà 21 tầng ở Thẩm Quyến cũng bị rung lắc.
Chính vì vậy, vụ việc tại Thiên Tân càng làm tăng thêm mối lo ngại về an toàn xây dựng ở Trung Quốc, trong khi chính phủ nước này đã thực thi các quy tắc và chính sách nghiêm ngặt hơn, đưa ra hình phạt nặng nề cho việc quản lý xây dựng và quản lý tòa nhà lỏng lẻo.
Ngay sau đó, chính quyền Thiên Tân cho biết, không thể loại trừ việc khoan các giếng đã dẫn đến xói lở và sụt lún đất trong khu vực. Thành phố cũng đã mời hơn 20 chuyên gia từ Bộ Tài nguyên, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn, Bộ Ứng phó Khẩn cấp, cũng như hơn 10 đội chuyên nghiệp từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Hà Bắc hỗ trợ. Các tổ chức khảo sát, lập bản đồ, thẩm định nhà ở, thiết kế kiến trúc địa phương cũng thực hiện giám sát tại chỗ.
Giới chức địa phương đánh giá vụ việc này là "thảm họa địa chất bất thường" sau khi tham khảo ý kiến sơ bộ từ các chuyên gia, cho biết thêm rằng họ không loại trừ việc khoan các giếng địa nhiệt đã dẫn đến xói mòn đất và sụt lún dẫn tới tình trạng trên.
“Tình huống này rất hiếm xảy ra", một chuyên gia nhận định, với thông tin rằng các tòa nhà cao tầng đối diện những đoạn đường có vết nứt đang chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau. Dẫu vậy, bằng cách thực hiện một loạt các biện pháp như trát vữa, tình trạng sụt lún của mặt đất và các tòa nhà đã chậm lại đáng kể.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giám sát mặt đất và các tòa nhà để ngăn ngừa các thảm họa thứ cấp, đồng thời tiến hành điều tra và đánh giá sâu hơn về cấu trúc địa chất sâu của các tầng.