Sonadezi Đồng Nai - Đứa con cưng trở chứng - Bài 2: Dân khóc ròng với bãi rác lớn nhất tỉnh
Kể từ khi Khu xử lý chất thải Quang Trung (huyện Thống Nhất) do Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi làm chủ đầu tư đi vào hoạt động, cứ đến mùa mưa hằng năm, hàng trăm hộ dân trong khu vực lại cảm thấy ngột ngạt khó thở bởi bầu không khí loan đầy mùi hôi.
“Nhợn, muốn ói”
Sáng một ngày cuối tháng 6/2024, phóng viên có mặt tại khu vực xã Quang Trung và xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) để ghi nhận thực tế những phản ánh của người dân địa phương về mùi hôi và nước thải xung quanh khu xử lý chất thải lớn nhất tỉnh Đồng Nai.
Xe chở rác đi qua để lại phía sau luồng không khí hôi hám khó chịu. |
Khoảng 8-9 giờ, nhiều xe chở rác vội vã di chuyển trên Quốc lộ 20 theo hướng từ ngã ba Dầu Giây đi Đà Lạt để vào Khu xử lý chất thải Quang Trung. Những chiếc xe lướt qua để lại phía sau luồng không khí hôi hám khó chịu, mùi rác sinh hoạt làm người đi đường lấy tay bịt mũi, che miệng.
Từ Quốc lộ 20 rẽ phải vào đường Suối Tre – Bình Lộc đến ngã ba đường nhựa là độc đạo dẫn tới cổng Khu xử lý chất thải Quang Trung nằm khuất sau vườn cao su, không khí càng nặng mùi và rõ rệt hơn. Các loại xe ép rác chuyên dùng lẫn xe ben không có nắp đậy chở hàng trăm túi chất thải từ các hướng đổ về, nối đuôi nhau đi vào bãi rác, khoảng vài chục phút sau thì trở ra.
Một phần khu vực vừa được nói tới thuộc xã Quang Trung, chủ yếu là rẫy cao su và trại heo, gà của vài doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên dân cư có phần thưa thớt. Từ cổng Khu xử lý chất thải Quang Trung, chúng tôi tiếp tục di chuyển theo đường Suối Tre – Bình Lộc hướng về TP.Long Khánh thêm khoảng 3km (khoảng 1,5km đường chim bay) là đến khu dân cư đông đúc thuộc xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Hàng trăm hộ dân nơi đây nhiều năm qua phải hứng chịu và tập cách sống chung với những cơn gió mang theo mùi “nồng nàn” của rác. Ông H.T (58 tuổi) đề nghị viết tắt tên, lắc đầu ngao ngán: “Hôi lắm! Nhiều lúc gió thổi qua nhợn muốn ói luôn!”. Ông vốn là dân khác tỉnh, về xã Xuân Thiện mở tiệm ăn uống đến nay đã gần mười năm và ngần ấy thời gian là quá đủ để cảm nhận những ám ảnh từ bãi rác này.
Theo ông, khoảng bốn giờ sáng là xe rác bắt đầu chạy cho đến chiều tối. Nhiều năm trước, đường trước nhà hư hỏng nghiêm trọng, ổ voi ổ gà khắp nơi. Mưa xong, xe rác chạy qua, nước thải chảy xuống đường bốc mùi vô cùng khó chịu. Người dân phản ánh nhiều lần nên đường xá được sửa lại, bãi rác cũng được che chắn ít nhiều nên mùi hôi có giảm xuống nhưng không hết.
“Mỗi ngày hai lần, sáng khoảng 7-8 giờ, chiều chừng 15-16 giờ là hôi không chịu nổi”, ông phản ánh và đoán rằng, vào khoảng thời gian trên, bãi rác mở bạt chôn lấp nên gió thổi qua cuốn theo mùi hôi tấn công khu dân cư. “Nói thật là ai cũng muốn dẹp nhưng ai cũng biết rõ là không thể nào dẹp được, có kiến nghị thế này thế kia cũng thế thôi, biết làm sao với đống rác đó, di dời đi đâu bây giờ?”, ông bất lực đặt câu hỏi nhưng cũng như tự trả lời cho chính bản thân mình khi ám chỉ những “núi rác” khổng lồ hiện hữu ở địa phương.
Theo người dân, mùi hôi từ Khu xử lý chất thải Quang Trung có giảm xuống so với trước đây nhưng không hết, cứ đến mùa là tấn công khu dân cư. |
Nói rồi, ông hướng dẫn chúng tôi đến khu vực chợ để tìm hiểu thêm cùng với lời quả quyết: “Chiều là họ phải đóng cửa cho đỡ hôi”. Tại đây, một người đàn ông khác tự giới thiệu và đề nghị gọi là chú Hai cho thân mật kiểu người miền Nam. Ông Hai xác nhận trước đây mùi rác thải rất khủng khiếp còn hiện tại có phần giảm xuống nhưng không triệt để. Một tuần có khoảng hai ba ngày mùi hôi tấn công vào nhà dân, đặc biệt khi trời mưa, lúc nhá nhem tối.
“Ngửi mùi rác riết người ta quen rồi, chủ bãi rác cũng nhận người dân quanh đây vào làm nên dù có hôi thì người ta cũng ráng chịu, không phản ứng gay gắt như ngày xưa nữa. Có điều, họ chôn lấp khối lượng rác ngày càng lớn như thế, thời gian kéo dài nên rất sợ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Nước sinh hoạt ở đây là nước ngầm bơm lên trạm xử lý rồi bán lại cho dân sử dụng nên chúng tôi rất lo”, ông Hai cảm thấy bất an.
Không chỉ riêng hai người đàn ông này mà rất nhiều người dân khác khi tiếp xúc với phóng viên cũng cùng chung nỗi lo, không chỉ mùi rác hôi thối mà còn là vấn đề nguồn nước có nguy cơ bị nhiễm độc bởi hàng triệu tấn rác được mang đi chôn lấp trong thời gian dài.
Tăng diện tích chôn lấp rác thải
Dự án Khu xử lý chất thải Quang Trung do Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi, thành viên Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Tổng Công ty Sonadezi, doanh nghiệp hơn 99,5% vốn Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai) làm chủ đầu tư nên còn được người dân gọi là Bãi rác Sonadezi.
Khu xử lý chất thải Quang Trung tiếp nhận khối lượng rác sinh hoạt của 8/11 huyện, thành phố toàn tỉnh Đồng Nai với công suất đạt 1.200 tấn/ngày. |
Dự án nằm trên địa bàn ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. Khu đất cách Quốc lộ 20 khoảng 2,5km và cách trung tâm huyện là Thị trấn Thống Nhất khoảng 8km. Bốn phía được bao bọc bởi vườn cao su, đồi đất và hai con suối Hai Cô, Gia Dung.
Theo quy hoạch, dự án có diện tích gần 130ha bao gồm nhiều khu vực, như: khu nhà điều hành, khu phân loại lưu giữ xử lý chất thải công nghiệp, khu chôn lấp chất thải nguy hại, khu chôn lấp hợp vệ sinh, khu xử lý chất thải lỏng, khu xử lý nước thải tập trung, hồ chứa nước rỉ rác, hồ chứa nước mưa và hệ thống thu gom, mương thoát nước, đất giao thông, bãi đậu xe, cây xanh....
Dự án đi vào hoạt động năm 2009, ban đầu chỉ tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt của địa bàn huyện Thống Nhất và TP.Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) với tính toán vòng đời 50 năm. Đến năm 2018, Khu xử lý chất thải Quang Trung tiếp nhận khối lượng rác sinh hoạt của 8/11 huyện, thành phố toàn tỉnh Đồng Nai với công suất đạt 1.200 tấn/ngày.
Cuối năm ngoái, chủ đầu tư lên tiếng dự báo giữa năm 2024 sẽ quá tải, không còn chỗ để chôn lấp rác làm dấy lên nguy cơ “vỡ trận” khiến chính quyền địa phương “đau đầu” tìm cách giải quyết. Công ty Sonadezi xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhằm tăng số lượng ô chôn lấp hợp vệ sinh và được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Đến tháng 4/2024, tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu xử lý chất thải Quang Trung.
Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được công khai trên cổng thông tin Bộ Tài nguyên Môi trường, chủ đầu tư đã xây dựng và vận hành 14 ô chôn lấp hợp vệ sinh. Trong đó, 4 ô đầu tiên (từ 1 đến 4) hiện đã đóng và ngưng tiếp nhận rác, 10 ô tiếp theo (từ 5 đến 14) đang trong quá trình vận hành. Tới đây, Công ty Sonadezi sẽ triển khai thêm 3 ô chôn lấp mới (từ 15 đến 17) với diện tích lần lượt là 3,7ha, 3,7ha và 1,6ha được thiết kế kiểu nửa chìm nửa nổi như tất cả những ô khác.
Công ty Sonadezi sẽ triển khai thêm 3 ô chôn lấp mới (từ 15 đến 17) với diện tích lần lượt là 3,7ha, 3,7ha và 1,6ha được thiết kế kiểu nửa chìm nửa nổi. |
Như vậy, sau điều chỉnh quy hoạch, bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải Quang Trung sẽ tăng từ 14 ô lên thành 17 ô với tổng diện tích hơn 21ha. Lượng chất thải đưa vào chôn lấp bình quân ước tính từ năm 2024 đến hết thời gian hoạt động của dự án khoảng 246 tấn/ngày, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tính sơ bộ sẽ cho ra con số hàng triệu tấn rác được mang đi chôn lấp.
Ngoài chôn lấp hợp vệ sinh, dự án còn có nhiều ô chôn lấp an toàn, ô chôn lấp chất thải nguy hại... Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự kiến đầu tư bổ sung thêm một số hạng mục tái chế làm phân, làm vật liệu xây dựng, đốt rác thu hồi năng lượng; nâng công suất, điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung từ 200m3/ngày lên 400m3/ngày….
Nhìn vào tổng thể dự án từ khi đi vào hoạt động cho đến nay sẽ thấy một khối lượng rất lớn rác thải được mang đi chôn lấp và câu chuyện “quá tải” mà chủ đầu tư từng thừa nhận đã chứng minh điều này. Trong tương lai, hàng triệu tấn rác thải sinh hoạt phát sinh từ 8 huyện, thành phố của toàn tỉnh Đồng Nai (đã và) sẽ tiếp tục được mang đi chôn lấp sau khi phân loại ở trạm của khu xử lý.
Bằng các dẫn chứng lý thuyết trên và những thực tế khủng khiếp được phóng viên trực tiếp ghi lại được tại Khu xử lý chất thải Quang Trung trong nhiều ngày theo dõi thì những nghi ngờ, lo lắng của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước hoàn toàn có thể tin được.
Chủ đầu tư nói gì?
Chiều 8/7/2024, phía Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi có email phản hồi thông tin phản ánh của Ngày Nay. Theo đó, Khu xử lý chất thải (XLCT) Quang Trung đã kiểm tra dọc theo suối Hai Cô từ vị trí thượng nguồn (nước suối chưa chảy ngang qua Khu XL) đến vị trí suối khu vực hồ H2 (nước suối đã chảy qua hết ranh giới Khu XL). Kết quả cho thấy nước suối trong có màu vàng nhạt, nền suối có màu do đất đỏ đọng ở đáy suối.
Chủ đầu tư nói, cơ quan chức năng kiểm tra, xác định “Không phát sinh nguồn nước thải từ Khu XLCT Quang Trung ra suối xung quanh. Theo Giấy phép môi trường và khảo sát thực tế, nước thải phát sinh trong quá trình vận hành của Khu XLCT Quang Trung được thu gom về hệ thống xử lý nước thải để xử lý và tái sử dụng hoàn toàn trong nội bộ khu xử lý, không xả thải ra môi trường”.
Mùi hôi phát sinh từ Khu XLCT Quang Trung không thường xuyên mà chủ yếu là khi trời bắt đầu mưa, đầu giờ sáng và cuối giờ chiều: ngoài nguyên nhân phát sinh từ các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn, còn do các thời điểm này xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, không khí sát mặt đất ẩm, đặc, không thể phát tán lên cao và đi xa....
Bên cạnh đó, vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, cường độ lưu thông các xe vận chuyển rác thải về Khu xử lý cao; một vài phương tiện khi lưu thông trên đường để rò rỉ nước rỉ rác ra đường, làm phát tán mùi hôi, ảnh hưởng ít nhiều đến dân cư. Công ty đã đề nghị các huyện, thành phố chuyển đổi phương tiện vận chuyển chuyên dụng, không để rò rỉ nước rỉ rác khi lưu thông trên đường...
Về biện pháp bảo vệ môi trường, Khu XLCT Quang Trung cho biết đã được đầu tư, vận hành theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt cũng như đáp ứng các quy định của pháp luật.
Khu XLCT Quang Trung thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) bằng phương pháp tái chế chất thải làm mùn compost với công nghệ và dây chuyền nhập khẩu từ Bỉ, quy trình xử lý khép kín. Sau khi phân loại, hữu cơ từ RTSH được tái chế thành mùn compost, lượng chất trơ còn lại được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh.
Với nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý một lượng lớn RTSH từ các địa phương chuyển về (khoảng 1.200 tấn/ngày), việc phát sinh mùi trong quá trình tiếp nhận và xử lý RTSH là không tránh khỏi. Công ty đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại Khu XLCT Quang Trung với nhiều giải pháp như:
Đầu tư các công trình xử lý theo hướng nâng cao tỷ lệ tự động hoá, Giảm thiểu tối đa mùi hôi phát sinh khi xử lý rác thải... Thời gian tới, công ty dự kiến đầu tư thêm các hạng mục tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải chôn lấp cũng như giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động đến môi trường....
Bài 3: Khu xử lý chất thải Quang Trung xả thải ra suối
Sonadezi Đồng Nai: Khi đứa con cưng trở chứng
Sonadezi Long Bình (SZB) trả nốt cổ tức bằng tiền tỷ lệ 23%, nâng tổng cả năm lên 35%