Tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD.
Trong tuần qua, thị trường không có nhiều thông tin kinh tế đáng chú ý mà hiện đang tập trung vào cuộc họp của Fed trong tuần này. Ngay trước , chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ cũng được công bố vào ngày 13/12, ngay trong ngày họp đầu tiên của Fed, và có thể ảnh hưởng tới những quyết định của cơ quan này, Công cụ của CME vẫn chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng về việc Fed sẽ tăng bao nhiêu điểm cơ bản trong kỳ họp lần này, khi vẫn có tới 25% khả năng Fed tăng 70 điểm cơ bản.
Xu hướng đồng USD hầu như đi ngang, và chỉ số DXY dao động quanh mức 104,5 – 105 điểm trong khi đó các đồng tiền khác biến động phân hóa với xu hướng giảm giá là chủ yếu. Cụ thể, bên cạnh CAD -1,3%, GBP -0,17%, một số đồng tiền Châu Á giảm giá so với USD như JPY +1,68%,INR -1, MYR -0,36%, SGD -0,17%, KRW -0,1%.
Trên thị trường trong nước, tỷ giá niêm yết tại các NHTM, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh trong tuần qua. Trong đó, tính đến ngày 9/12, tỷ giá niêm yết đã giảm tới 2,2% trong vòng 1 tuần và hơn 6% trong vòng 2 tuần, hiện chỉ còn tăng 3,4% so với cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh hạ tỷ giá bán tại Sở GDNHNN với mức điều chỉnh khiêm tốn, về VND 24.830/USD.
Với mức tăng giá rõ rệt của tiền Đồng trong 2 tuần qua, và hiện tại VND đã quay về quanh vùng mất giá kỳ vọng hàng năm của NHNN, do vậy chúng tôi nghiêng về xu hướng đi ngang của tỷ giá trong thời gian còn lại của năm.
Nhìn chung, theo các chuyên gia tại SSI, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD.
Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, FII, cán cân thương mại thăng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân.