Sử dụng cho công việc hay học tập hãy nhớ 5 loại thông tin tuyệt đối không nên chia sẻ với chatbot AI
Nhưng bên cạnh lợi ích vượt trội, việc chia sẻ quá mức với AI có thể khiến người dùng trả giá đắt về mặt bảo mật.
Jennifer King – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm (HAI), Đại học Stanford – cảnh báo: “Một khi bạn gõ thông tin vào chatbot, hãy xác định bạn có thể bị lộ thông tin riêng tư”. Với khả năng lưu trữ và xử lý lượng lớn dữ liệu, các công cụ AI không khác gì con dao hai lưỡi: hỗ trợ tối đa hiệu suất cá nhân nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò rỉ thông tin.
Dưới đây là 5 loại dữ liệu người dùng không nên chia sẻ với bất kỳ chatbot AI nào – dù là để hỏi han việc cá nhân, hỗ trợ công việc hay tư vấn y khoa.
Thông tin nội bộ công ty
Nhiều người sử dụng AI để soạn email, dịch thuật, lên kế hoạch dự án hay viết báo cáo. Tuy nhiên, việc nhập các chi tiết nhạy cảm như danh sách khách hàng, báo cáo tài chính chưa công bố, hoặc chiến lược kinh doanh có thể khiến thông tin nội bộ rơi vào tay bên thứ ba. Mặc dù một số nền tảng AI thương mại cam kết bảo mật, hầu hết người dùng cá nhân lại truy cập các phiên bản miễn phí – nơi dữ liệu có thể được thu thập để “huấn luyện” mô hình mà không cần thông báo cụ thể.
![]() |
Chatbot AI như một con dao hai lưỡi. Ảnh minh họa |
Kết quả y khoa
AI có thể giúp giải thích các thuật ngữ y tế khó hiểu, nhưng việc gửi toàn bộ kết quả xét nghiệm, hình ảnh chẩn đoán hoặc hồ sơ bệnh án cho chatbot là việc làm đầy rủi ro. Các nền tảng AI hiện không chịu sự giám sát bởi các quy định bảo mật y tế như HIPAA (tại Mỹ) hay tương đương ở các quốc gia khác. Dữ liệu sức khỏe – nếu bị rò rỉ – có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân, đặc biệt trong các tình huống bảo hiểm, tuyển dụng hay định cư.
Mật khẩu và thông tin đăng nhập
Không ít người nghĩ đến việc “ghi nhớ giúp” hoặc kiểm tra độ mạnh của mật khẩu thông qua AI. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh: chatbot không phải nơi lưu trữ an toàn cho thông tin đăng nhập. Nếu bị lạm dụng hoặc tấn công, dữ liệu bạn từng nhập vào hoàn toàn có thể bị truy xuất. Giải pháp thay thế là dùng các công cụ chuyên dụng như 1Password, Bitwarden hoặc Apple Keychain – được thiết kế riêng để bảo vệ thông tin nhạy cảm.
![]() |
Không chia sẻ thông tin nhạy cảm cho AI. Ảnh minh họa |
Dữ liệu nhận dạng cá nhân (PII)
Số CCCD, hộ chiếu, địa chỉ nhà, số điện thoại hay mã số thuế đều thuộc nhóm dữ liệu nhận dạng cá nhân (Personally Identifiable Information – PII). Đây là những thông tin cực kỳ giá trị với giới tội phạm mạng, đặc biệt trong các hình thức lừa đảo tài chính, giả mạo danh tính hoặc tấn công chuỗi. Dù một số nền tảng AI tuyên bố xóa dữ liệu sau mỗi phiên trò chuyện, vẫn không có gì đảm bảo rằng thông tin này không bị lưu tạm hoặc sử dụng sai mục đích trong quá trình xử lý.
Thông tin tài chính
Tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, danh mục đầu tư... là các dữ liệu có thể bị hacker khai thác nếu người dùng sơ suất chia sẻ trên chatbot. Nguy cơ không chỉ nằm ở việc mất tiền, mà còn là khả năng bị phân tích hành vi chi tiêu, thói quen tài chính – dẫn tới các cuộc gọi giả mạo, email lừa đảo ngày càng tinh vi và khó phát hiện.
Trên trang chính thức, OpenAI khuyến cáo người dùng không chia sẻ thông tin nhạy cảm trong quá trình trò chuyện với ChatGPT. Google cũng nhấn mạnh điều tương tự với Gemin. Jason Clinton – CEO Anthropic (hãng phát triển Claude AI) – cho biết các nền tảng hiện đã có cơ chế xóa tự động dữ liệu sau 30 ngày, nhưng người dùng nên xóa thủ công sau mỗi phiên trò chuyện để bảo đảm an toàn.
>> Bước đột phá từ Trung Quốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu