Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn tinnhanhchungkhoan.vn thông tin về các sự kiện chứng khoán nổi bật tuần từ ngày 2 - 6/8/2021 gửi tới nhà đầu tư và Quý độc giả...
Dữ liệu kinh tế Mỹ
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ được công bố hôm thứ Sáu (6/8) sẽ cung cấp manh mối mới về sức mạnh của sự phục hồi kinh tế và thông báo triển vọng cho các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Các nhà kinh tế đang kỳ vọng nền kinh tế sẽ có thêm 900.000 việc làm vào tháng 7 sau khi vượt kỳ vọng dự báo 850.000 việc làm vào tháng 6.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, thị trường việc làm vẫn cần hồi phục thêm trước khi Fed bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích mà Fed đã ban hành vào đầu năm 2020 để chống lại sự suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Vào tháng 6, các quan chức Fed đã bắt đầu tranh luận về cách giảm bớt việc mua trái phiếu nhưng vẫn chưa có thời gian biểu rõ ràng về thời điểm bắt đầu rút lại các biện pháp hỗ trợ thị trường khẩn cấp.
Ngoài báo cáo việc làm, lịch kinh tế còn có các dữ liệu quan trọng khác bao gồm dữ liệu chỉ số sản xuất của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Hai (2/8) và dữ liệu ngành dịch vụ được công bố vào thứ Tư (4/8). Chỉ số sản xuất (PMI) dự kiến sẽ duy trì mạnh mẽ nhưng những căng thẳng từ phía cung trong nền kinh tế đang góp phần làm tăng lạm phát.
Bên cạnh đó, một số quan chức Fed cũng dự kiến sẽ phát biểu trong tuần này bao gồm Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida và Thống đốc Fed Christopher Waller.
Mùa báo cáo lợi nhuận tiếp tục
Các nhà đầu tư sẽ nhận được một loạt báo cáo lợi nhuận mới trong tuần này trong đó hơn 25% trong số các cổ phiếu niêm yết trên S&P 500 sẽ công bố báo cáo lợi nhuận trong tuần này.
Theo phân tích của Credit Suisse, kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong tương lai là động lực chính dẫn đến mức tăng của S&P 500 trong năm nay.
Sonal Desai, Giám đốc đầu tư của Franklin Templeton Fixed Income cho biết: “Tôi cho rằng có tới 85% các công ty đang báo cáo lợi nhuận sẽ đề cập đến lạm phát trong các cuộc họp báo về báo cáo của họ. Lạm phát có thể không phải là vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính. Nhưng lạm phát dường như là vấn đề với những người phải tiêu dùng và sản xuất”.
Các quy định của Trung Quốc
Cuộc đàn áp quy định gần đây của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư sợ hãi tránh xa cổ phiếu Trung Quốc và khiến cổ phiếu các công ty công nghệ hoạt động đang diễn biến trong một môi trường với nhiều sự không chắc chắn.
Các nhà quản lý Trung Quốc đã tiếp tục đàn áp các công ty công nghệ, các công ty giáo dục giao dịch công khai và các ngành công nghiệp khác khiến các cổ phiếu này sụt giảm mạnh trong tuần qua.
Trung Quốc đã thắt chặt quy định đối với hoạt động IPO của doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài sau khi các nhà chức trách tiến hành một cuộc điều tra về Tập đoàn Didi Global vào tháng trước, chỉ vài ngày sau khi niêm yết tại New York.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc được cho là đã trao đổi với các ngân hàng quốc tế sau khi hành động của họ làm dấy lên làn sóng bán cổ phiếu công nghệ và thị trường chứng khoán Trung Quốc. Các nhà quản lý Trung Quốc cho biết các công ty có thể tiếp tục niêm yết tại Mỹ nếu họ đáp ứng các yêu cầu niêm yết.
Trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ xem xét dữ liệu PMI của Trung Quốc trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đây có thể là phép thử tiếp theo cho các thị trường.
Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh
Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tiếp tục duy trì kích thích với tốc độ hiện tại trong cuộc họp vào thứ Năm (5/8) bất chấp một số bất đồng giữa các nhà hoạch định chính sách về quy mô của chương trình mua trái phiếu trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nền kinh tế đang cải thiện.
Các quan chức có khả năng nâng dự báo lạm phát của họ cho năm nay nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn chưa chắc chắn trong bối cảnh lo ngại về biến thể Delta.